Lên mạng tìm sách xưa

0 nhận xét

Khác với dân chơi sách chuyên nghiệp luôn quan tâm đến những chi tiết xung quanh cuốn sách như bản in năm nào, chất lượng in ấn, lịch sử cuốn sách…, những nhà nghiên cứu chỉ quan tâm duy nhất đến nội dung sách. Thế nhưng, để tìm được một cuốn sách cũ có giá trị, đôi khi lại quá khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc nhiều thư viện trong và ngoài nước, nhiều tổ chức, cá nhân số hóa các đầu sách rồi đưa lên mạng đã trở thành một nguồn cung cấp tư liệu đầy hấp dẫn với bạn đọc cũng như các nhà nghiên cứu.



Trang mạng bán sách trực tuyến của Nhà sách Phương Nam. Ảnh: T.L.

Từ trong nước



Một trong những địa chỉ quen thuộc nhất của giới tìm sách xưa trên mạng là trang web sachxua.net do một nhóm những người mê sách tự tổ chức. Điểm nhấn lớn nhất của sachxua.net là xây dựng một diễn đàn trên mạng cho những người mê sưu tầm sách. Đến đây, bạn đọc có thể trao đổi những kinh nghiệm phục hồi sách cũ như kỹ thuật dán sách, cách đóng và bảo quản sách… Bạn đọc cũng có thể đưa lên những cuốn sách không còn nguyên vẹn để nhờ những thành viên diễn đàn tìm giùm phần còn thiếu, hay tìm những người cũng có cuốn sách giống mình nhưng hư hỏng, phần khác nhằm kết nối lại thành một cuốn sách hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, sachxua.net cũng còn được nhắc đến như là một trong những địa chỉ cung cấp những bản sách xưa dưới dạng sách điện tử (e-book) rất được chú ý. Tại đây, bạn có thể tìm thấy bản e-book chụp lại toàn bộ tác phẩm tranh mộc bản Những kỹ thuật của người An Nam do Henri Oger thực hiện từ khoảng năm 1907-1909, hay các bộ báo cũ như Nông Cổ Mín Đàm, tạp chí Thanh Nghị (1941-1945), Nam Phong, Đông Dương… Tất cả đều được đưa lên trên tinh thần tự nguyện và miễn phí. Các thành viên cũng rất quan tâm đến vấn đề bản quyền, những tác phẩm đang được kinh doanh ngoài thị trường sẽ không được đưa lên, chỉ cho phép cập nhật những tác phẩm đã ngừng kinh doanh.

Ngoài ra, một số trang web khác trong nước cũng là địa chỉ quen thuộc của những người chuyên đi tìm sách xưa, hiếm trên mạng như trang web của Thư viện quốc gia (www.thuvienquocgia.vn) hay các trang sách điện tử như e-thuvien.com, ebook4u.vn… Tuy nhiên, ở các trang này chủ yếu là các nhan đề sách mới, muốn tìm sách xưa, hiếm đòi hỏi bạn đọc có nhu cầu phải tìm kiếm tỉ mỉ.

Đến nước ngoài



Một trong những địa chỉ tìm sách cũ được bạn đọc quan tâm nhất là Thư viện Quốc gia Pháp (www.bnf.fr). Tại đây có một kho tàng sách cũ về Việt Nam vô cùng đồ sộ, nhập vào từ khóa “An Nam” bạn đọc có thể tiếp cận đến gần 20 ngàn tài liệu sách, báo các loại về đất nước Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Có nhiều loại sách khá đặc thù bình thường ít gặp như cuốn sách hướng dẫn du lịch cho du khách Pháp được phát hành vào những năm 1930 với nhiều chi tiết hình ảnh khá độc đáo về văn hóa, xã hội, con người Việt Nam thời kỳ đó. Do có mối liên hệ đặc thù với lịch sử Việt Nam nên thư viện Pháp được xem là một trong những thư viện có nhiều đầu sách xưa và hiếm về đề tài Việt Nam nhất hiện nay. Tại đây, bạn đọc có thể tìm thấy bản chụp các cuốn sách nổi tiếng như Rừng người Thượng (Les Jungles Moi) của tác giả Henri Maitre xuất bản năm 1912 viết về người dân tộc ở Tây Nguyên. Đây được coi là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên về các tộc người ở Tây Nguyên Việt Nam. Điều đáng nói là các loại sách được cung cấp trên mạng đều là bản chụp sách gốc nên rất có giá trị tham khảo cho những ai có yêu cầu.

Một trang sách điện tử khác cũng rất được chú ý là trang của Thư viện Waseda (Tokyo-Nhật). Tại đây cung cấp bản chụp một kho sách cực kỳ đồ sộ, trong đó chiếm một số lượng khá lớn là các loại sách chữ Hán. Với các nhà nghiên cứu, kho sách của thư viện Waseda là một kho tàng đầy hấp dẫn khi cung cấp một lượng lớn bản gốc các tư liệu cổ, một số trong đó có liên quan đến Việt Nam được đánh giá cao như Hải quốc đồ chí, Quảng Đông thông chí, Đại Thanh nhất thống toàn đồ…

Dự án số hóa sách Google đã làm bùng lên sự chú ý của dư luận với vấn đề số hóa các loại sách từ xưa đến nay. Hàng loạt dự án số hóa sách ra đời, từ quy mô nhỏ của các thư viện, trường đại học đến quy mô quốc gia như ở Đức, Pháp, Trung Quốc… rồi quy mô khu vực như dự án số hóa toàn châu Âu, và dĩ nhiên đình đám nhất vẫn là dự án số hóa sách toàn cầu của Google. Từ các dự án này, nhiều đầu sách xưa, hiếm vốn nằm im trong các thư viện trên khắp thế giới bỗng chốc dễ dàng đến tay bạn đọc ở bất cứ nơi đâu. Trong số đó, có không ít tác phẩm quý và hiếm. Điều đáng tiếc là các dự án số hóa mới chỉ tập trung vào số lượng chứ chưa hệ thống hóa các tư liệu khiến việc tìm kiếm còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù vậy số hóa sách cũng đã và đang mở ra một cánh cửa tri thức vô tận cho các nhà nghiên cứu, cho bạn đọc.

Tường Vy


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply