Thị trường kim cương

0 nhận xét





Sự cuốn hút không giới hạn và những bí ẩn đằng sau sự lộng lẫy, sang trọng khiến cho kim cương luôn được xem là món trang sức được phái nữ muốn sở hữu nhất. Tuy nhiên do trình độ thẩm định kim cương của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế nên thời gian qua có nhiều điểm bán trang sức cao cấp này cố tình lập lờ để móc túi người tiêu dùng.









  • Bán lập lờ




Nắm bắt nhu cầu sử dụng nữ trang kim cương tăng cao nhưng túi tiền của phái nữ có hạn nên gần đây thị trường nữ trang có thêm CZ, một loại đá tổng hợp có bề ngoài rất giống kim cương. Theo bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Công ty SJC Khánh Hội, với trình độ mài và cắt giác ngày càng điêu luyện của thợ kim hoàn, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là kim cương đâu là đá CZ nếu người bán không nói rõ tính chất cũng như giá trị của từng loại đá. Chỉ có điều đá CZ giá rất rẻ, chỉ từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/viên”.





Khách hàng chọn mua kim cương thiên nhiên tại cửa hàng SBJ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa TPHCM.


Tuy nhiên để bán được hàng và nâng giá trị của đá CZ, vẫn có một số cửa hàng kim hoàn ở khu vực An Đông (quận 5), chợ Bàn Cờ, chợ Vườn Chuối (quận 3), chợ Bến Thành (quận 1) quảng cáo và giới thiệu với khách hàng đây là kim cương nhân tạo. Thậm chí, tại một số triển lãm nữ trang quốc tế được tổ chức tại Nhà Thi đấu Phú Thọ, nhiều quầy nữ trang đến từ Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc đến nước ta triển lãm đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng Việt bán đá CZ dưới mác kim cương nhân tạo với giá từ 10USD đến 50USD/viên.


Kim cương nhân tạo dù có độ cứng và độ bền giống như kim cương thiên nhiên nhưng được “sinh” ra trong phòng thí nghiệm, chỉ khác nhau một vài đặc điểm về ngọc học. Kim cương nhân tạo phần lớn được dùng trong công nghiệp, còn trong trang sức chưa phổ biến do kích thước không lớn, độ trong và độ bền không đạt chuẩn





  • Mua ép giá




Gần đây để kích cầu mặt hàng xa xỉ này, nhiều nhãn hiệu kim hoàn đã ồ ạt tung ra các chương trình khuyến mãi khá “sốc” như giảm giá 5% đến 10% hoặc mua kim cương được tặng vỏ, bán kim cương thiên nhiên thu lại 100%… Nhưng thực tế, khách hàng không hề được lợi gì từ những chương trình khuyến mãi dạng này, thậm chí nhiều người còn bị thiệt. Đơn cử, một khách hàng đến mua viên kim cương 5 carat với giá 350.000USD tại một tiệm kim hoàn ở khu vực đường An Dương Vương, quận 5. Mặc dù  được chủ cửa hàng cam kết sẽ mua lại nhưng sau khoảng 3 tháng, vị khách hàng này mang sản phẩm bán lại cho cửa hàng thì cửa hàng đưa ra rất nhiều lý do để từ chối mua như sản phẩm bị hao mòn, trầy xước… Sau một hồi đôi co, họ chỉ đồng ý thu lại sản phẩm trên với giá 250.000USD.


Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Phó tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), để người mua kim cương tránh bị móc túi, nên chuẩn bị một số kiến thức nhất định về loại đá quý này. Đầu tiên nên tìm đến một thương hiệu có uy tín tìm hiểu đồng thời phải đòi nơi bán cung cấp giấy phân cấp kim cương, trong đó trình bày rõ về trọng lượng, cấp độ tinh khiết, cấp độ cắt mài và các tỷ lệ khác để dễ nhận diện. Từ đó mới biết được sản phẩm mình định mua có xuất xứ như thế nào, để sau này bán lại cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, khách hàng cũng cần lưu ý đến chính sách thu đổi. Vì điều này sẽ tạo sự thuận tiện khi bạn muốn đổi hoặc bán lại món trang sức kim cương mình đang sở hữu. Hiện nay chỉ các cửa hàng, chi nhánh của các công ty kim hoàn lớn trong nước như SJC, PNJ, SBJ, Nguyễn Vũ… có thu đổi cho khách hàng, còn các thương hiệu kim cương quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam thường từ chối thu đổi lại cho khách hàng.


Riêng việc trên thị trường hiện nay có nhiều viên kim cương có đến 2 giấy chứng nhận, một do GIA (Viện ngọc học Hoa Kỳ cấp), một do PNJ cấp  thì theo ông Hạnh: “Trước đây GIA chỉ có một văn phòng đặt tại New York, nhưng những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường, GIA còn mở thêm chi nhánh tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ. Nhưng do mức độ tin cậy của khách hàng đối với giấy chứng nhận của GIA chi nhánh không cao, nên nhiều doanh nghiệp sau khi nhập khẩu khẩu kim cương phải đưa qua PNJ kiểm định vì giấy chứng nhận của PNJ dựa trên hầu hết  các tiêu chí khắt khe nhất của quốc tế”




Lê Mai Thi







Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank  (SBJ) thì kim cương thiên nhiên là “đặc sản của lòng đất” được hình thành tại vùng gần “tâm” trái đất, cách mặt đất 200km đến 300km, trong môi trường nóng 1.500°C với thành phần cacbon liên kết theo hệ lập phương.

Với độ tuổi cao kỷ lục từ 1 đến 3 tỷ năm, kim cương thiên nhiên là thứ đá “cao niên” nhất trong các loại đá quý. Giá thành của kim cương phụ thuộc vào tiêu chuẩn 4Cs, bao gồm: trọng lượng (Carat), độ tinh khiết (Clarity), màu (Color), giác cắt (Cut). 


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply