Phát triển ngành công nghiệp cá tra: Chất lượng và hiệu quả

0 nhận xét



Xuất khẩu cá tra năm 2011 đối mặt với nhiều thách thức do tình trạng thiếu nguyên liệu, thiếu con giống, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh đe dọa… Đó là những khó khăn chung được Bộ NN-PTNT nêu ra tại buổi tổng kết sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011, diễn ra ở thành phố Cần Thơ ngày 18-1.







Nuôi cá tra cần quan tâm đến chất lượng và hiệu quả.




Phải xem lại mình




Theo Bộ NN-PTNT, diện tích nuôi cá tra năm 2010 khoảng 5.420ha đạt 90,3% kế hoạch năm, dù diện tích giảm nhưng nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất nên sản lượng cá thu hoạch đạt 1.141.000 tấn, bằng 104,6% so năm 2009. Dự kiến cả năm 2010, xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD, với khối lượng khoảng 645.000 tấn. Như vậy, mục tiêu đạt kim ngạch 1,5 tỷ USD năm 2010 đã không hoàn thành.


Bộ NN-PTNT lý giải: sản xuất và xuất khẩu cá tra năm qua gặp rất nhiều khó khăn từ bên trong lẫn bên ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp tự xây dựng cho mình một thị trường, một thương hiệu riêng mà chưa quan tâm đến thương hiệu chung của cá tra Việt Nam. Đáng lo ngại, một số doanh nghiệp tranh giành thị trường bằng cách tự hạ giá sản phẩm, bán hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng uy tín cá tra…


Vấn đề thiếu nguyên liệu diễn ra trầm trọng khiến xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng trước với giá thấp trong khi giá nguyên liệu liên tục tăng dẫn đến thua lỗ.




Liên kết chuỗi giá

trị


Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: từ tháng 10-2010 giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng; hiện các doanh nghiệp thu mua cá tại nhà máy với giá 24.000 đồng/kg, cao kỷ lục từ trước đến nay (cao hơn các nước khác như Indonesia, Bangladesh…). Điều khó hiểu, khi giá cá tra đang tăng kịch trần nhưng nhiều hộ nuôi cá ở ĐBSCL tỏ ra thờ ơ, chưa mạnh dạn nuôi lại.


Mặt khác, các ngân hàng hạn chế cho vay nên người dân dù muốn nuôi cá hoặc doanh nghiệp muốn mở rộng vùng nguyên liệu cũng không làm được. Trước tình hình trên, VASEP cảnh báo: Năm 2011, thiếu cá nguyên liệu sẽ tiếp tục căng thẳng, nhất là thời điểm quý 2. Như vậy, kế hoạch xuất khẩu từ 1,45 – 1,55 tỷ USD, sản lượng 1,2 – 1,3 triệu tấn nguyên liệu sẽ khó đạt.


Nhiều ý kiến cho rằng, ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra đối mặt nhiều thách thức nhưng đây là thời điểm thuận lợi để sắp xếp lại, tạo hướng đi mới phát triển bền vững. Một trong những việc quan trọng là tới đây có nên chạy theo số lượng hay chất lượng?


Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, không nên sản xuất ào ạt quá nhiều để rồi “thừa nguyên liệu – dội chợ – rớt giá”, đây là bài học cay đắng cần rút kinh nghiệm. Để tạo dựng thương hiệu vững chắc cho cá tra Việt Nam trên trường quốc tế, cần phải đặt “chất lượng và hiệu quả” lên hàng đầu.


Thực tế cho thấy những tháng cuối năm 2010, khi VASEP công bố thiếu cá nguyên liệu, lập tức giá xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu, châu Á, Mỹ… tăng mạnh. Như vậy, chỉ tiêu là một lẻ nhưng quan trọng hơn cần phải chú trọng đến hiệu quả, đảm bảo người nuôi có lãi.


Đồng quan điểm trên, bà Phạm Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang khẳng định: “Quy hoạch phát triển cá tra tới đây tập trung vào chất lượng. Sở đang phối hợp cùng 3 doanh nghiệp thủy sản triển khai thí điểm mô hình “liên kết chuỗi giá trị” giữa doanh nghiệp – người nuôi – nhà cung cấp thức ăn – nhà quản lý; trong đó doanh nghiệp sẽ là trung tâm của mô hình để hướng dẫn người dân nuôi cá theo đơn đặt hàng và thu mua lại toàn bộ sản phẩm.


Mô hình liên kết lần này sẽ thực hiện chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm và sẽ kiểm tra liên tục, không để tái diễn cảnh liên kết hình thức như trước đây”. Lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL cũng ủng hộ mô hình liên kết, tạo hướng đi mới cho nghề cá dựa trên tiêu chí “chất lượng và hiệu quả” để phát triển bền vững.




Huỳnh Phước Lợi





(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply