Hội chợ hàng Việt… tràn lan hàng ngoại

0 nhận xét





Chỉ trong 45 ngày (tháng 12-2010 và 2 tuần đầu năm 2011) tại 3 địa phương TPHCM, Đồng Nai và Lâm Đồng, chúng tôi thống kê có tới vài chục hội chợ có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Điều đáng lưu ý, hầu hết các hội chợ này đều có chung chủ đề “giới thiệu và tôn vinh hàng Việt” nhưng thực tế tràn lan hàng ngoại…






Có mặt tại Hội chợ “Người Việt – hàng Việt hội nhập WTO” (diễn ra từ ngày 18 đến 24-12-2010), nhiều phóng viên của các báo đài nói riêng, người tiêu dùng TP nói chung tỏ ra thất vọng vì sự bát nháo của các loại hàng hóa trưng bày tại hội chợ. Vừa bước qua cổng chính, khách hàng đã thấy ngay các dãy hàng với đủ loại mắt kính thời trang, giày dép giảm giá, thuốc nhuộm tóc, vòng, lắc, bấm móng tay, quần áo,… không rõ nguồn gốc hoặc là hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới.


Ở khu vực trung tâm, chiếm một nửa số gian hàng là hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc, đặc khu Hồng Công, lãnh thổ Đài Loan… Một số doanh nghiệp (DN) tham gia cũng tỏ ra bất bình trước sự dễ dãi của ban tổ chức khi đưa quá nhiều hàng ngoại vào bán, làm mất ý nghĩa của hội chợ hàng Việt.


Hội chợ “Tôn vinh hàng Việt” (từ 24-12-2010 đến 1-1-2011) tại Đồng Nai còn tệ hơn khi 70% lượng hàng bán tại đây đều là hàng ngoại. Một số gian hàng không ngần ngại khi trưng bảng hiệu giảm giá đối với nhiều mặt hàng có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc.

 

Không chỉ dừng lại ở các hội chợ, tại một vài phiên chợ hàng Việt do một số cơ quan chức năng tổ chức, lấy kinh phí của nhà nước để thực hiện cũng không tránh khỏi việc quảng bá và bán hàng ngoại. Nhìn rộng ra, ngay cả một số hội chợ xúc tiến hàng VN ở nước ngoài, người Việt vô hình trung cũng đi tiếp thị cho hàng ngoại theo kiểu “sơn đông mãi võ” vừa rao, vừa bán.

 

Trở lại với các hội chợ vừa nêu, chúng tôi có thể khẳng định khi xin phép các cơ quan chức năng, đơn vị tổ chức sẽ đưa ra những nội dung, cách thức tổ chức, thành phần DN và hàng hóa tham gia phải theo đúng với chủ đề hội chợ.


Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hội chợ diễn ra không đúng với những gì DN đã đăng ký thì đơn vị tổ chức hội chợ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng trong trường hợp họ cố tình vi phạm thì nhà quản lý (tức cơ quan cấp phép tổ chức hội chợ) phải chịu trách nhiệm cuối cùng về sự việc đó.


Nói cách khác, cơ quan cấp phép phải có trách nhiệm hậu kiểm đối với các đơn vị “cam kết một đằng – làm một nẻo”.


Việc cơ quan chủ quản khoán trắng mọi công tác tổ chức cho DN làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của các hội chợ, làm giảm niềm tin nơi người tiêu dùng và các DN là điều không đáng có trong điều kiện chúng ta đang đẩy mạnh cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”.




THÚY HẢI





(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply