Trùng tu di tích ở TPHCM – Những tín hiệu vui

0 nhận xét



Có thể nói công tác tôn tạo, tu bổ di tích ở TPHCM đang có nhiều khởi sắc và những tín hiệu vui trong năm mới. Ngoài các di tích đã hoàn tất trùng tu và đưa vào phục vụ cộng đồng, phát huy giá trị, trong năm 2011 nhiều thiết kế và dự án tu bổ di tích sẽ tiếp tục được triển khai. Đây được xem là một trong những bước đệm quan trọng tiếp nối cho quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn TPHCM đến năm 2020.

Nhiều di tích được bảo tồn, trùng tu



Lăng tả quân Lê Văn Duyệt hoàn tất trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị di tích từ tháng 7-2010. Ảnh: AN DUNG




Sau hơn 2 năm thi công, tháng 7-2010 vừa qua, công trình trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ đồng đã được khánh thành, phát huy giá trị phục vụ nhân dân TP và cả nước. Lăng Lê Văn Duyệt ngoài những công trình kiến trúc có quy mô lớn, với tuổi đời gần 200 năm, có giá trị nghệ thuật và còn nguyên vẹn, còn có một ý nghĩa tinh thần rất lớn với cộng đồng. Không chỉ có giá trị văn hóa vật thể, lăng còn mang giá trị văn hóa phi vật thể, cơ sở tín ngưỡng dân gian với nhiều lễ hội truyền thống. Đây cũng là nơi quy tụ đông đảo khách thập phương, người dân các tỉnh đến tham quan, dâng hương cúng bái và là một điểm hẹn du lịch của TP.

Cùng với di tích này, mới đây, tháng 12-2010, công trình tu sửa cấp thiết di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú) – địa đạo duy nhất nằm trong lòng TP – đã hoàn thành dự án tu sửa giai đoạn 2 gồm cải tạo nắp miệng hầm, các lỗ thông hơi, nút giao giữa tầng hầm 1 và tầng hầm 2, xử lý chống thấm, chống ngập nước… cho các đường hầm, kinh phí 300 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM Vũ Kim Anh cho biết, sau khi hoàn tất tu sửa địa đạo, Sở VH-TT-DL, Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích TPHCM sẽ sớm triển khai thực hiện giai đoạn 3 dự án trùng tu di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa (xây dựng khuôn viên, tu bổ lăng mộ, cải tạo không gian cảnh quan và trồng cây xanh…) và công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2011.

Ngoài các công trình trên, ông Phạm Hữu Mý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản TPHCM, cho biết, năm 2010 Sở VH-TT-DL và trung tâm này đã hoàn thiện nhiều công trình: thi công trưng bày Nhà truyền thống Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã ba Giồng, tu sửa cột cờ Thủ Ngữ…

Được biết, UBND TPHCM đã phê duyệt kinh phí tôn tạo di tích đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp). Theo đó, dự án trùng tu tôn tạo đình Thông Tây Hội và chùa Giác Viên (quận 11) sẽ được tiến hành trong năm nay.



Nâng cao ý thức bảo vệ và bảo tồn di sản



Thời gian qua, qua công tác vận động, hoạt động xã hội hóa trong việc tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích tại TPHCM đã mang lại những hiệu quả thiết thực. “Hoạt động xã hội hóa bảo vệ và phát huy các giá trị di tích thời gian qua đạt hiệu quả khá tốt là do các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền về Luật Di sản văn hóa, công khai bàn bạc trong nhân dân, các tổ chức xã hội quần chúng ở cơ sở qua đó tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà di tích đang gặp phải”, bà Vũ Kim Anh nhận định. Sắp tới khi triển khai giai đoạn 3 dự án trùng tu di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa, Sở VH-TT-DL và các ban ngành sẽ trưng bày và lấy ý kiến đóng góp của người dân.

Nằm trong mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa, 2 năm qua, Sở VH-TT-DL TPHCM phối hợp với trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM tổ chức lớp tập huấn kiến thức về quản lý di tích cho hàng trăm cán bộ quản lý di tích ở các quận-huyện. Chương trình này được Bộ VH-TT-DL đánh giá cao. Ngoài ra, nhiều đơn vị đã chủ động tổ chức các hoạt động giới thiệu phát huy giá trị di tích như: quận Tân Phú duy trì và phát huy tốt hoạt động của Câu lạc bộ Bảo vệ di sản văn hóa quận… Chính nhờ những cách làm năng động sáng tạo này mà các di tích ở TPHCM đã thu hút ngày càng đông khách tham quan.



Còn nhiều khó khăn


Tuy nhiên, trong thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di tích vẫn còn nhiều bất cập. Những quy định quản lý đầu tư xây dựng và quản lý văn hóa chưa thống nhất để áp dụng trong thực tế về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án; thẩm quyền thẩm định, nội dung thẩm định các dự án bảo quản, phục hồi. Kể cả đơn giá xây dựng công trình, hạng mục tu bổ, dự án tôn tạo di tích cũng phải thực hiện theo đơn giá vật liệu xây dựng, đã gây nhiều khó khăn trong hoạt động này.

Thực tế, Luật Di sản Văn hóa sửa đổi bổ sung năm 2009, những quy định tại điều 35 (ước tính giá trị công trình, quy định vật tư tu bổ di tích…) đã bãi bỏ nhưng sau 1 năm có hiệu lực, mãi đến nay Bộ VH-TT-DL vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Mặt khác, công tác quản lý di tích là hoạt động khá “kén”, đòi hỏi nhân lực chuyên môn sâu và phải có bằng cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động trong khi nguồn nhân lực ở cơ sở còn quá mỏng. Hiện nay Sở VH-TT-DL TPHCM đang kiến nghị UBND và HĐND TP có chế độ bồi dưỡng cho những người làm công tác quản lý di tích ở cơ sở.

Hướng tới, Sở VH-TT-DL TPHCM dự kiến sẽ công khai những công trình tu bổ di tích, kêu gọi các đơn vị thực hiện từ các tỉnh thành (nếu đáp ứng được điều kiện quy định) cùng tham gia đấu thầu rộng rãi.

MINH AN




(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply