Thị trường tiền tệ linh hoạt với diễn biến thị trường

0 nhận xét




  • Tìm vốn rẻ cho khu vực sản xuất








Năm 2010, hậu khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế nước ta. Thị trường tiền tệ Việt Nam trải qua một năm nhiều “sóng gió” với những cú sốc về lãi suất, tỷ giá… Bước sang năm 2011, dù dự đoán còn nhiều thách thức nhưng hy vọng chính sách tiền tệ sẽ trôi chảy hơn…









Khách hàng gởi tiền tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG




Lãi suất sẽ giảm?




Bước sang năm 2011, lãi suất ngân hàng (NH) đang ở mức rất cao do tình hình lạm phát trong năm 2010. Theo các chuyên gia, với mức lãi suất huy động đầu vào 14%/năm, đầu ra cho vay 17% – 18%/năm như hiện nay đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN) nên sẽ không thể tăng cao hơn nữa.


Đặc biệt, từ năm 2011 Luật Tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực, vì thế các DN và NH đều kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều hành lãi suất theo Luật TCTD, giúp thị trường lãi suất không bị gò bó để phù hợp với lạm phát và tỷ giá.


Về phía các NH hiện nay, dù lãi suất mang tính đồng thuận nhưng nhiều NH vẫn cạnh tranh ngầm về lãi suất huy động, khiến thị trường không minh bạch. Trong quý 1-2011 thị trường tiền tệ sẽ vẫn đối mặt với khó khăn về vốn và thanh khoản, nhưng đến cuối quý 1, lãi suất sẽ giảm dần do nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh không “nóng” như trước tết, tiền mặt trong dân tăng lên, kiều hối về nhiều, các NHTM huy động vốn dễ dàng hơn… Đây là cơ hội để quý 2 các NHTM giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, có thể còn khoảng 15% – 16%/năm.


Đầu năm, NHNN cũng đã đưa ra thông điệp sẽ điều hành lãi suất năm 2011 theo hướng ổn định cả năm. Theo đó, lãi suất cơ bản chỉ để chống cho vay nặng lãi, chứ không còn là công cụ điều hành chính sách tiền tệ. NHNN sẽ tập trung 3 điểm chính: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) và lãi suất chiết khấu. Trong đó, lãi suất OMO sẽ linh hoạt để điều chỉnh lãi suất thị trường.


Theo phó tổng giám đốc một NH cổ phần, để ổn định được mặt bằng lãi suất và thị trường tiền tệ trong năm 2011, các giải pháp kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất phải được thực hiện quyết liệt ngay từ những quý đầu năm. Đây là điều kiện cơ bản để ổn định và giảm dần lãi suất. Thực tế hiện nay có sự phát triển không đồng đều giữa các NHTM.


Vì vậy, để tránh tiếp diễn những cú sốc lãi suất tương tự như năm 2010, NHNN cần có một cơ chế đặc biệt cho các NHTM nhỏ. Chẳng hạn, như bơm vốn trực tiếp với lãi suất tiền gửi, hỗ trợ trên thị trường tái cấp vốn không cần giấy tờ có giá hoặc hỗ trợ các NHTM quốc doanh mua lại các NHTM nhỏ cần thoái vốn.


Về lâu dài, lãi suất VND nên theo cơ chế thả nổi nhưng trong điều kiện bất thường (nhiều NHTM chưa tự giác chấp hành pháp luật) cũng cần bàn tay hữu hình của NHNN để điều tiết thị trường theo mục tiêu lãi suất NHNN đã định hướng.




Ưu tiên vốn cho sản xuất




NHNN cho biết, năm 2011 đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm ở mức 23%, thấp hơn 2% so năm rồi. Đồng thời, tín dụng sẽ tập trung vào khu vực sản xuất và NHNN có chủ trương giảm dần tăng tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ trong năm 2011 vẫn khá thận trọng, khó nới lỏng mạnh ngay những tháng đầu năm và sẽ có mặt bằng lãi suất cho vay khác nhau cho từng đối tượng khách hàng.


Nhiều NH cũng thừa nhận khi chi phí huy động vốn đầu vào hiện vẫn còn khá cao, các NH chưa thể giảm ngay lãi suất, nên vẫn chỉ có thể ưu tiên lãi suất rẻ đối với khách hàng truyền thống, có quan hệ thân thiết với NH.


Thị trường tiền tệ Việt Nam năm 2011 sẽ tiếp tục gặp thách thức lớn từ những tác động ngoại lai, ngay cả với lãi suất và tỷ giá. Những biến động của thế giới rất khó lường và có thể đảo chiều bất ngờ. Do vậy, đòi hỏi chính sách tiền tệ trong năm 2011 của NHNN cũng phải linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường.





Giao dịch tại ngân hàng Phương Nam. Ảnh: Cao Thăng




Hồng Nga





(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply