Phim Tết 2011: Đậm chất hài

0 nhận xét



Những ngày cuối năm, trong khi một số hoạt động nghệ thuật bước vào giai đoạn tổng kết, cuộc đua phim tết chuyển sang nước rút, khá gay cấn.







  • Hài + mới + lạ = ăn khách?




Gần như đã thành thông lệ, các nhà sản xuất khi đầu tư phim chiếu tết đều nhắm vào yếu tố hài, vui chơi, giải trí. Bởi, họ “đo” tâm lý thường tình: ngày xuân đến rạp hay ngồi nhà xem phim trước màn ảnh nhỏ, khán giả luôn mong muốn tìm không khí vui tươi, thoải mái. Thắng lợi từ doanh thu phim Việt chiếu tết hay phát sóng trên màn ảnh nhỏ mấy năm gần đây đã làm các nhà sản xuất tư nhân quan tâm việc “chọn mặt gửi vàng”, giao phim cho các đạo diễn mát tay.



Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, người ta nhận ra các nhà đầu tư, bên cạnh việc chọn “gam màu hài” chủ đạo cho nội dung phim, yếu tố “đổi tay” đạo diễn hoặc săn tìm cách làm phim mới cũng là tiêu chí định lượng cho phim tết.


Minh chứng cho điều này là sự kỳ vọng của Công ty BHD đối với tay nghề đào tạo từ Mỹ của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ qua phim

Cô dâu đại chiến

; hoặc Công ty Phước Sang mong muốn có cái nhìn trẻ trung trong cách thể hiện phim, tạo cơ hội cho đạo diễn trẻ Minh Cao (em trai đạo diễn Vinh Sơn và nhà quay phim Trinh Hoan), qua phim

Thiên sứ 99

; còn Công ty Galaxy Thiên Ngân vẫn tin cậy sự năng động “đi trước thiên hạ”, nhạy bén nắm bắt công nghệ làm phim 3D của đạo diễn Lê Bảo Trung, qua phim

Bóng ma học đường

.





Diễn viên – ca sĩ Đan Trường và diễn viên Nguyệt Ánh trong phim “Nụ hôn đầu xuân”.


Năm nay, phim truyền hình phát sóng dịp tết được các hãng phim nhà đài và tư nhân khá chú ý trong việc khai thác thể loại hài. Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) Đài Truyền hình Việt Nam sẽ giới thiệu 2 phim hài:

Một tuần làm dâu

(7 tập) của đạo diễn Mai Hồng Phong và

Đếm ngược cho ba mươi

(6 tập) của đạo diễn Trịnh Lê Phong. Hãng TFS Đài Truyền hình TPHCM sẽ ra mắt bộ phim hài

Người hoàn hảo

(10 tập) do Trương Dũng làm đạo diễn. Sôi nổi hơn, một số hãng phim tư nhân không ngần ngại đầu tư làm phim hài phát sóng trên các kênh VTV, HTV, SCTV…


Trong danh sách này, ngoài bộ phim tâm lý tình cảm

Tình như tia nắng

của Công ty M&T Pictures phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long, có thể kể tên phim:

Nụ hôn đầu xuân

(5 tập, đạo diễn Xuân Phước) của Công ty cổ phần Nghệ thuật Việt và Công ty cổ phần Đầu tư và Truyền thông Hà Nội; Hãng phim Đông A thực hiện 2 phim:

Tía ơi về ăn tết

(4 tập, đạo diễn Nguyễn Quang Hưng), Ra ngõ gặp xuân (5 tập, đạo diễn Quang Đại); Hãng phim TV Plus với phim

Vua bếp

(2 tập, đạo diễn Nguyễn Dương),

Ai cũng có tết

(5 tập, đạo diễn Phương Điền); Công ty M&T Pictures và Công ty TKL với phim

Mua láng giềng gần

(40 tập, đạo diễn Nguyễn Quang Hưng), phim

Gọi nắng

(30 tập, đạo diễn Trần Cảnh Đôn); Công ty Sao Thế Giới đầu tư phim

Bi hài số đỏ

(2 tập, đạo diễn Quyền Lộc)…





  • So tài vào “giờ G”




Chuẩn bị vào “đường đua”, theo lịch chiếu phim,

Thiên sứ 99

sẽ khởi chiếu từ 21-1 và

Cô dâu đại chiến, Bóng ma học đường

sẽ ra mắt khán giả vào 28-1. Với lợi thế phim Việt đang được khán giả ủng hộ mạnh mẽ, xem ra các phim chiếu tết đều nhắm vào “gu” riêng của khán giả. Tất nhiên, sức hấp dẫn của phim sẽ vượt trội, nếu phim nào có chất lượng và đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của nhiều người xem.





“Cô dâu đại chiến” sẽ ra mắt khán giả vào dịp tết Tân Mão.


Không kể chương trình đặc biệt Táo quân trên một số kênh truyền hình đêm giao thừa, phần lớn các bộ phim truyện hài sẽ phát sóng vào những ngày Tết Nguyên đán. Khán giả màn ảnh nhỏ sẽ theo dõi một cách “cận cảnh” hơn và tất nhiên, “thượng đế trần gian” có cơ hội kén chọn, thưởng thức những bộ phim phù hợp tâm lý, sở thích riêng. Cho nên dù phim chiếu vào “giờ vàng hay không vàng”, sự so tài giữa các đạo diễn vẫn tùy thuộc vào chất lượng, vào nét đặc sắc hay nét duyên dáng riêng của mỗi bộ phim.


Sẽ còn lặp lại điệp khúc “mua vui cũng được… một mùa phim chiếu tết”? Thực tế, nếu các nhà sản xuất chỉ nhằm thu hồi vốn, lời bạc tỷ, đầu tư chất lượng không kỹ, quá dễ dãi trong chuyện làm phim, chọn lựa đề tài nhạt thếch, hoặc tính hài bị lạm dụng quá mức, chắc chắn cơ hội đưa phim Việt đến khán giả sẽ bị sụt giảm dần. Sự lựa chọn thưởng thức phim chắc chắn sẽ thay đổi.


Ở mảng phim truyền hình cũng vậy, gần như các nhà làm phim quá chú trọng “gam màu hài”, cố tạo tiếng cười cho ngày tết. Chính vì thế, chỉ mong sao hài sẽ là liều thuốc bổ chứ không phải làm khổ người xem vì… sự “bội thực” phim hài!




KIM ỬNG










Đạo diễn



Nguyễn Hữu Phần

: Tôi tham gia phim

Nụ hôn đầu xuân

với tư cách cùng chế tác kịch bản với một tác giả ở Cần Thơ, một người khá am hiểu đời sống, phong tục, tính cách người dân miền Tây Nam bộ. Thú thật, từ câu chuyện tình cờ nhưng tôi nghĩ nó sẽ có ý nghĩa góp thêm phần vui vẻ của không khí ngày tết. Điều đáng nói, ở

Nụ hôn đầu xuân

, tôi muốn thể hiện tính hài tình huống, khi con người đứng trước những đổi thay của đời sống, hoàn cảnh sống. Tôi quan niệm dù là hài nhưng phim phải có tính giáo dục con người một cách tích cực.




Ông



Châu Quang Phước

(

phụ trách truyền thông Công ty BHD

): Thực sự làm phim hài chiếu tết đối với chúng tôi còn có ý nghĩa giữ nhịp sản xuất và mong muốn mang lại một món quà xuân cho khán giả. Thăm dò dư luận thời gian qua, các nhà sản xuất đã yên tâm, tin tưởng vào hoạt động làm phim cho nhiều mùa chứ không phải riêng một mùa phim tết. BHD đã có các dự án đa dạng thể loại và đề tài. Vấn đề quan trọng đối với nhà sản xuất vẫn là chất lượng phim để thu hút sự tin yêu của khán giả…




(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply