Tiếc thương Trung tướng Đào Văn Lợi

0 nhận xét



Vẫn biết “sinh lão bệnh tử” là quy luật muôn đời, song khi nhận được tin Trung tướng PGS-TS Đào Văn Lợi vừa ra đi, tôi vẫn bàng hoàng không dám tin đó là sự thật. Nghe tên tuổi ông từ khá lâu, nhưng mãi tới đầu năm 2010 tôi mới có dịp hạnh ngộ. Ấy là khi ông cầm tập bản thảo cuốn hồi ức “Trận mạc và giảng đường” đến làm việc với Chi nhánh NXB QĐND tại TPHCM.




Từng giữ cương vị chỉ huy ở nhiều đơn vị lừng danh, song khi trò chuyện ông vẫn rất mực khiêm nhường. Là người được phân công biên tập bản thảo, qua nhiều lần tiếp xúc và trao đổi, tôi cảm nhận ông một con người rất cẩn trọng, sâu sắc, đậm đà tình nghĩa.


Trong lời giới thiệu cuốn sách, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, viết: “Đào Văn Lợi nhập ngũ năm 1965, là một chiến sĩ xuất thân từ nông dân, trải qua chiến đấu, công tác, học tập mà trưởng thành, trở thành một vị tướng, một nhà giáo có nhiều đóng góp cho quân đội, cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc”.





Trung tướng Đào Văn Lợi (trái) và Thượng tướng Hoàng Cầm.


Là con trai độc nhất trong một gia đình nghèo thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, đang là xã viên HTX nông nghiệp, Đào Văn Lợi viết đơn xin nhập ngũ. Trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 141 Sư đoàn 312, ngay từ đầu, tố chất tham mưu của chàng lính trẻ đã phát lộ. Đầu năm 1966, ông vượt Trường Sơn vào Đông Nam bộ. Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông được Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong gọi lên giao nhiệm vụ “ra Bắc học về làm chỉ huy”.

Sau khi được đào tạo trở về, ông tiếp tục gắn bó với Quân đoàn 4. Lăn lộn trong khói lửa cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và những tháng năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia, phẩm chất tham mưu tác chiến càng được tôi luyện thêm. Từ chiến sĩ bộ binh, lúc trinh sát, lúc làm trợ lý cơ quan, Đào Văn Lợi trưởng thành nhanh chóng. Ông từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, rồi Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 4…

Trải qua chiến đấu và nhiều cương vị công tác, ở đâu người lính cũng chịu khó học hỏi. Từ những trải nghiệm thực tiễn, ông được tiếp cận với kiến thức khoa học quân sự một cách có hệ thống, bài bản. Nhờ vậy, khi chuyển sang công tác ở lĩnh vực giáo dục đào tạo, ông đã không phụ lòng tin của cấp trên.


Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, ông được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Học viện Lục quân. Đặc biệt, với thành tích nghiên cứu khoa học cùng những đóng góp tích cực trong quá trình hoạt động giáo dục đào tạo, tháng 11-2004, Trung tướng Đào Văn Lợi được công nhận Phó Giáo sư chuyên ngành Khoa học quân sự. Có lẽ vì vậy mà ân tình sâu nặng luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn sách. “Tôi ghi mãi trong lòng sự biết ơn tới Đảng, tới Bác Hồ, tới Quân đội đã giáo dục, rèn luyện, tạo mọi điều kiện để tôi phấn đấu”.


Xuất phát từ quan niệm “tôn trọng quá khứ, biết ơn những người đi trước” mà ông luôn ghi nhớ ngay cả từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống. Lúc mới hành quân vào Tây Nguyên, đang đói mờ cả mắt được anh bạn đồng hương đưa cho cái bánh sắn hấp nóng, khiến ông nhớ mãi. Lần khác, đang nằm run cầm cập vì sốt rét mà chẳng có thuốc thang gì, được anh y tá dúi cho nửa viên ký ninh, nhờ vậy mà cắt được cơn sốt. Tình nghĩa với chị Út Dân trong những năm đánh Mỹ ở Bến Cát, Bình Dương, người mà ông kính trọng như chị ruột của mình. Ông luôn tâm niệm: “Mọi việc đối nhân xử thế cuối cùng phải dựa trên cái tình, dựa vào sự yêu thương, kính trọng người trên, thương đồng đội, bạn bè, thương yêu gia đình” và thực tế ông đã xử sự đúng như vậy.


Một hôm tầm nửa buổi, ông đến gặp tôi ở cơ quan, vẻ mặt đầy xúc động. Ông cho biết vừa đi thăm cụ Hoàng Cầm, thủ trưởng cũ rồi đến thẳng đây luôn. Trời ơi, một vị tướng từng chứng kiến cả ba cột mốc quan trọng (7-5-1954, 30-4-1975, 7-1-1979) công lao chiến tích đầy mình, đạo đức sáng trong mẫu mực, giờ ốm đau nằm một chỗ. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 đều có chung ước nguyện muốn Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT cho cụ…


“Mình muốn có bài viết kiến nghị với cấp trên, sơ phác thế này chú xem sửa giúp tôi” – ông nói. Thói thường, ở đời người ta phù thịnh, mấy ai phù suy? Chỉ ngần ấy thôi, tôi nhận lời. Hai hôm sau, bài viết “Về thăm người Sư đoàn trưởng đầu tiên của Sư đoàn 9 anh hùng” của ông xuất hiện trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, gây xúc động mạnh.


Ông còn thảo công văn gửi kèm tờ Báo SGGP, đệ trình lên các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem xét việc vinh danh cho Thượng tướng Hoàng Cầm. Là một trong những người đôn đáo lo vận động xây tượng đài chiến thắng Tàu Ô – Xóm Ruộng, khi sắp khánh thành ông có bài “Tượng đài của nghĩa tình đồng đội”. Vị tướng say sưa nói với tôi về những dự định đang ấp ủ, có ai ngờ ông đang gồng mình chống chọi với căn bệnh quái ác.


Khi hay tin ông cấp cứu ở Bệnh viện 175, tôi tức tốc tìm vào thăm. Ông vẫn nhận ra tôi và nói chuyện bình thản, dù thể trạng rất yếu. Nhìn thần sắc, nắm bàn tay khô và lạnh của ông, tôi thấy thắt lòng. Xin vĩnh biệt ông, Trung tướng PGS-TS Đào Văn Lợi kính mến!




Đại tá – Nhà văn



Nguyễn Minh Ngọc





(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply