Vì sao đến giờ hình ảnh về con người và đất nước Việt Nam vẫn chưa được nhiều người biết đến? Làm thế nào để giữ ngôn ngữ mẹ đẻ, giữ được nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha ta trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài? Mang trong lòng trăn trở đó, bằng tâm huyết của mình, không ít kiều bào đã góp phần xây dựng, giới thiệu “thương hiệu” Việt Nam với bạn bè quốc tế và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong lòng người Việt xa xứ.
Bà Đinh Kim Nguyệt giới thiệu món ăn Việt Nam tại lễ hội Multicultural vào tháng 6-2007 tại Canada. Ảnh: L.T.Hân
|
Làm chủ công nghệ
Tháng 10-2010, nhiều tờ báo lớn trong nước đưa tin: “Việt Nam thiết kế thành công chip 32 bit”. Lần đầu tiên ngành vi mạch Việt Nam cho ra mắt bộ vi xử lý 32-bit VN1632 dùng công nghệ IBM 0,13 um, có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Chip vi xử lý 32-bit VN1632 được Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM nghiên cứu và thiết kế.
Sự ra đời của chip VN1632 cho thấy, Việt Nam đã bước thêm một bước trên con đường làm chủ công nghệ. Một trong những người đề xuất và trực tiếp tham gia xây dựng, phát triển ICDREC là GS-TS Đặng Lương Mô – một kiều bào Nhật.
Sang Nhật du học từ năm 1957, từng là chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba Nhật Bản, giảng dạy tại trường Đại học Hosei, Tokyo nhưng suốt hơn 40 năm làm việc tại nước ngoài, GS-TS Đặng Lương Mô lúc nào cũng canh cánh nỗi nhớ quê hương. Đến năm 2002, vợ chồng ông quyết định trở về nước.
Với tư cách là cố vấn Đại học Quốc gia TPHCM, ông tham gia thành lập ICDREC và xây dựng chương trình Cao học Vi điện tử giảng dạy bằng tiếng Anh tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Bằng uy tín của mình, ông mời nhiều giáo sư Việt kiều tham gia giảng dạy trong chương trình này. Tháng 9-2010, khóa đào tạo thạc sĩ chuyên ngành vi điện tử đã hoàn tất. Các học viên tốt nghiệp khóa này hiện đều là giảng viên đại học hoặc kỹ sư làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Sau khi con chip 32 bit đầu tiên của Việt Nam được chế tạo thành công, Bộ Khoa học – Công nghệ đã quyết định đầu tư xứng đáng cho ICDREC để phát triển một dòng chip vi mạch mới. TPHCM cũng công bố chủ trương cho xây dựng tại TP một nhà máy chế tạo vi mạch.
GS-TS Đặng Lương Mô chia sẻ: “Với đà này, chỉ vài năm nữa, chúng ta sẽ có thể làm được các công đoạn từ thiết kế cho tới chế tạo vi mạch”. Với hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học, nhiều công trình đạt giải thưởng cao trên thế giới, GS-TS Đặng Lương Mô có tên trong danh sách những người nổi tiếng trên thế giới trong danh bạ Marquis Who’sWho In The World năm 1995.
Bản sắc dân tộc
Sau 20 năm ở nước ngoài, năm 1995, ông Nguyễn Văn Cường (Việt kiều Mỹ) quyết định trở về quê hương sinh sống và lập nghiệp, thành lập Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Du lịch Việt Thái Bình Dương. Mong muốn có một ngày góp phần đưa cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới, ông dành phần lớn thời gian nghiên cứu, tìm tòi để chế biến cà phê mang đậm bản sắc dân tộc. Không chỉ đọc trên sách vở, ông Cường còn thường xuyên lên Đà Lạt, Buôn Ma Thuột tìm hiểu cách thức trồng trọt, nắm bắt hương vị đặc trưng cà phê của từng vùng, miền khác nhau.
Kết quả là ông đã thành công trong việc chế biến cà phê với nhiều hương vị độc đáo khác nhau, mang thương hiệu VietCoffee. Ông kể: “Không có niềm sung sướng nào hơn khi được công nhận cà phê Việt Nam rất thơm ngon, đậm đà. Ông cho biết trong năm mới, bên cạnh việc duy trì cà phê VietCoffee, công ty của ông sẽ phát triển sản phẩm trà gừng hòa tan; và gừng được sử dụng phải là gừng già, củ nhỏ, rất cay.
Tự nhận mình là người thích truyền thống, ông Cường chọn hướng tạo ra sản phẩm giúp ích cho sức khỏe từ cây cỏ dân tộc – đó cũng là cách thể hiện lòng tự hào dân tộc của ông.
Truyền bá văn hóa Việt Nam
Từ khi sang định cư tại Canada, bà Đinh Kim Nguyệt (Việt kiều Canada) đã tham gia nhiều hoạt động quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt cho thế hệ người Việt và người Canada trẻ. Bên cạnh đó, với cương vị là Chủ tịch Tổ chức Bảo tồn Văn hóa Truyền thống đa sắc tộc của TP Whitehorse (tiểu bang Yukon) – Canada, bà Nguyệt tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán…
Dù đây là hoạt động nhằm truyền bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam với người dân tiểu bang Yukon nói riêng, bạn bè quốc tế nói chung nhưng từ sự nỗ lực vận động của bà, kinh phí tổ chức được trích từ ngân sách quốc gia Canada và Quỹ Culture Quest của Territory Yukon cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của Sứ quán Việt Nam tại Canada – chứ không quyên góp từ kiều bào Việt Nam.
Những cái Tết Việt với đầy đủ lồng đèn, bánh trung thu, cành mai vàng, bánh chưng, bánh dày đã trở thành sự kiện văn hóa, không chỉ được kiều bào hưởng ứng mà còn thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia. Bà Nguyệt mong muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ cho in nhiều bộ sách, sản xuất nhiều đĩa phim dạy tiếng Việt bằng song ngữ để thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra ở nước ngoài cũng như người nước ngoài thuận lợi trong việc phát triển khả năng tiếng Việt.
|
(Theo website Lê Thanh Hải)