Rạng ngời hào khí Tây Sơn

0 nhận xét



TPHCM: Biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm chiến thắng Đống Đa



Sáng mùng 5 Tết, cùng tiếng trống hội Thăng Long giục giã lòng người, người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận lại nô nức đổ về khu vực Gò Đống Đa lịch sử để cùng nhau tưởng nhớ, tri ân công lao của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ khi đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, thống nhất đất nước, mang lại thái bình cho non sông Đại Việt, cách đây 222 năm.







  • Cuộc hành quân ngàn dặm




Đã thành thông lệ, cứ vào đầu mùa xuân, người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc lại trở về Gò Đống Đa – một địa danh lịch sử, nơi mà hơn 200 năm trước đã ghi một dấu ấn chói lọi trong trang sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.





Quang cảnh lễ hội kỷ niệm 222 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.


Thành kính thắp một nén tâm nhang trước tượng đài vua Quang Trung, du khách thập phương đã cùng nhau ôn lại cuộc chiến thần tốc, chỉ trong vòng 5 ngày, dưới sự chỉ huy tài tình của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ, cùng cách “hành binh như bay, tướng như trên trời rơi xuống, quân như từ dưới đất chui lên” đã đập tan 29 vạn quân Thanh xâm lược ngay trước cửa ngõ Thăng Long.


Cùng trống hội Thăng Long giục giã, người dân thủ đô lại được sống trong không khí hào hùng của một thời lịch sử với trống trận Quang Trung, với màn biểu diễn “Hùng kê quyền”, màn múa võ Tây Sơn – Bình Định…





  • Dấu son trong lịch sử dân tộc




Trong tâm khảm người Việt, có lẽ ai cũng từng nghe, từng học và biết đến Gò Đống Đa – địa danh ghi đậm chiến công hiển hách, thể hiện ý chí và niềm tự hào lớn lao trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Song trong không khí ấm áp của mùa xuân, được về đây, dâng nén nhang thơm tri ân công đức của những người đã làm nên chiến công lịch sử, đập tan 29 vạn quân Thanh xâm lược bờ cõi: “Lòng người ai cũng thấy nao nao xúc động” – cụ Trần Công Bảo, người làng Khương Thượng đến dự lễ tâm sự.


Cũng như bao thế hệ người dân ở Hà Nội, mỗi khi mùa xuân tới, vở chèo “Cánh đào báo tiệp” hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và đội quân Tây Sơn với trận chiến vang dội Ngọc Hồi – Đống Đa, dù đã trình diễn bao lần nhưng vẫn tạo cho mọi người cảm giác tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, tiếp tục đưa chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa mãi đi vào lịch sử của dân tộc ta như một bản anh hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.





  • Tái hiện truyền thống hào hùng




Tối 7-2, tại Công viên Văn hóa Tao Đàn, Ban tổ chức các ngày lễ lớn TPHCM đã khai mạc chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 222 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789 – 2011). Đến dự có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Dương Quan Hà, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM cùng các đồng chí lãnh đạo Thành ủy TPHCM và các đồng chí lão thành cách mạng, lực lượng vũ trang, đại diện các sở ban ngành cùng đông đảo người dân TP.


Tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Dương Quan Hà phát biểu: “Nhắc đến chiến thắng lịch sử Đống Đa, chúng ta không thể nào quên những mùa xuân chiến thắng giặc ngoại xâm của dân tộc ta, gần nhất là cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968; đại thắng mùa xuân 1975. Chúng ta càng tự hào hơn về truyền thống vẻ vang của dân tộc, càng quyết tâm kế tục truyền thống vẻ vang đó, vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng đất nước ta, thành phố ta ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn”.





Cảnh trong trích đoạn cải lương “Tâm sự Ngọc Hân” trong chương trình nghệ thuật tại TPHCM kỷ niệm 222 năm Chiến thắng Đống Đa lịch sử do các nghệ sĩ sân khấu TP và vũ đoàn Rạng Đông biểu diễn. Ảnh: An Dung


Chương trình lễ hội gồm 2 phần: sân khấu hóa tái hiện truyền thống hào hùng của chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, tưởng nhớ người anh hùng áo vải hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ và chương trình văn nghệ mừng Đảng mừng xuân, chào mừng thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ TPHCM 




VĨNH XUÂN – MINH AN








Cùng ngày, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Huế đã tổ chức lễ dâng hương và đặt vòng hoa tại tượng đài anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ tại núi Bân thuộc phường An Tây, TP Huế – nơi cách đây 223 năm (ngày 22-12-1788), Nguyễn Huệ đã chọn làm lễ đăng quang, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung và phát động cuộc hành quân thần tốc ra Bắc đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng thành Thăng Long vào dịp Tết Kỷ Dậu 1789.



(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply