Bé trai nghèo, nghịch ngợm và thèm ăn. Ông già thanh bạch, hóm hỉnh và thích ngắm người khác uống rượu. Vườn nhà bao nhiêu là cây trái (kể cả vú sữa) mà bé trai chỉ nhớ vú cau trong khay trầu bà nội. Ông già làm thơ…
Đọc tập thơ “Đắng và Ngọt” của Trang Thế Hy, tôi bị hẫng hụt. Tôi phải đọc nhiều lần. Và mỗi lần tôi đều tò mò tìm xem đằng sau tập thơ mỏng là chiều dày suy nghĩ, quan niệm, suy tư, triết lý gì sâu xa nặng tình lắm. Hẫng hụt vì lòng yêu thơ của tôi bị tổn thương. Vì rằng những suy nghĩ thông thường về thơ của tôi bị lung lay. Chắc Trang Thế Hy đã chứng minh được một điều, hiện thực trong thơ sâu xa hơn ta tưởng. Cái hiện thực được chắt lọc trong tâm thức, tâm tưởng, trong cách thể hiện, nó là hiện thực thời đại Trang Thế Hy sống chứ không chỉ là hiện thực thời sự hàng ngày.
Ảnh bìa tập thơ “Đắng và ngọt”.
|
Trang Thế Hy được biết đến là một nhà văn, chuyên viết văn xuôi. Cũng như nhà văn Nguyên Hồng, ông có làm thơ. Trong cuốn sách “100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX” do một số người yêu thơ tuyển chọn, xuất bản, nhà văn Nguyên Hồng có bài “Cửu Long Giang ta ơi”, nhà văn Trang Thế Hy có bài “Lời nói dối nhân ái”. Đất Bến Tre có 3 tác giả được chọn là Ca Lê Hiến, Trang Thế Hy và Đinh Thị Thu Vân.
Khiêm tốn đến bất ngờ, tập thơ “Đắng và Ngọt” (NXB Thanh Niên 2010) vừa mỏng manh vừa nhỏ nhắn. Nói tóm lại tập thơ của Trang Thế Hy… là hơi khiêm tốn. Khiêm tốn đấy, nhưng đầy tính kiêu kỳ trí tuệ.
Gần đây tôi thường đọc thơ người khác khi về thăm mẹ. Một niềm trân trọng người làm thơ. Thơ Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Lê Quang Trang, Trần Ninh Hồ… Thơ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi… Thơ Uýt Man, Nêruda, Nazim Hít Mét… và thơ Trang Thế Hy. Tôi phát hiện ra, hay nói đúng hơn là tôi cố gắng phát hiện ra đằng sau câu chữ qua thơ Trang Thế Hy ẩn chứa điều chi khiến tôi tìm kiếm không yên?
Đầu năm 2011, trong đám cưới con gái nhà văn – nhà thơ Nguyễn Mạnh Tuấn – Hà Phương, nhà thơ Đinh Trần Toán đã vẫy tôi lại, quá trịnh trọng đưa tặng cho tôi tập thơ “Đắng và Ngọt” của Trang Thế Hy. Tập thơ bỏ gọn trong túi áo, nghĩa là nhỏ mỏng nhưng đọc kỹ thấy đầy đặn cuộc đời và sự nghiệp của một nhà văn.
Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh năm 1924 tại Châu Thành, Bến Tre. Ông có các tác phẩm: “Nắng đẹp miền quê ngoại” (1964), “Anh thơm râu rồng” (in chung 1965), “Mưa ấm” (1981), “Người yêu và mùa thu” (1981), “Vết thương thứ 13” (1989), “Tiếng khóc và tiếng hát” (1993), “Nợ nước mắt” (2002). Tất cả đều là truyện ngắn, riêng tập “Đắng và Ngọt” xuất bản 2010 là tập sách mới nhất và là tập thơ duy nhất Trang Thế Hy. Đây là tập thơ song ngữ Việt – Anh do Nguyễn Tiến Văn dịch. Chỉ có 13 bài thơ của cả đời thơ, Trang Thế Hy và 9 bài thơ của R.Tagore do Trang Thế Hy dịch. Điều đó dường như cho thấy ông yêu mến quý trọng và phần nào có ảnh hưởng bởi R.Tagore.
Trang Thế Hy có nhiều bút danh khác nhau: Phạm Võ, Triều Phong, Vũ Ái Văn, Minh Phẩm… và nhiều người gọi ông bằng cái tên thân mến – Chú Tư! Chú Tư sống viết văn ở Sài Gòn, vô chiến khu tham gia kháng chiến, hòa bình về sống tại quê nhà Bến Tre. Chú Tư là ông già Bến Tre đúng nghĩa. Dù ở quê, ông lại ít nói, nhưng bạn bè ông rất đông, quý mến.
Đến tuổi 86, Trang Thế Hy mới in tập thơ cho thấy ông coi trọng thơ như thế nào. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng nói “Thơ là tinh túy. Thơ là rượu ngon, F1. Mình không làm thơ nhưng mình quý trọng người làm thơ”. Có lẽ cũng với cách suy nghĩ ấy mà Trang Thế Hy muốn rà soát cuộc đời mình bằng một tập thơ, tập “Đắng và Ngọt”. Chỉ có vài bài ông ghi năm sáng tác còn lại những trải nghiệm của ông trong cuộc sống rất đáng sống và khốc liệt.
Thơ Trang Thế Hy không thuộc loại thơ miêu tả mà là thơ của cảm nhận, của tiềm thức. Tư duy thơ của Trang Thế Hy là những kết luận, những ẩn dụ được nói trực tiếp từ kiểm nghiệm. Thơ ông tôn trọng tứ hơn là câu chữ. Ông viết thơ văn xuôi, ngắn gọn súc tích.
Trang Thế Hy đưa văn xuôi vào thơ và lôi thơ về với văn xuôi. Hãy đọc bài “Lời nói dối nhân ái”:
“Gió nói với chiếc lá úa/trong vòng luân hồi bất tận của chiếc lá màu vàng của mi trong khoảnh khắc này là nét đẹp vĩnh hằng của nhan sắc mùa thu tàn phai nhanh/Đừng buồn/Cái đẹp nào cũng phù du/và chỉ có cái phù du mới đẹp/Lá biết gió nói dối nhưng lá vẫn vui vẻ bay vèo theo gió” … “Chàng thấy nàng đẹp rồi chàng mới yêu/Anh thì ngược lại/Anh yêu em trước rồi sau mới thấy em đẹp/Lời nói dối ngược ngạo luật phản xạ của anh chồng/Làm ửng hồng đôi má cô vợ trẻ…”.
Tiếc thay lời nói dối ta phải nghe hàng ngày lại là những lời nói dối không nhân ái…
Thơ Trang Thế Hy có kỷ niệm, có ước mơ, có quá khứ và hiện tại. Tất cả được ông viết bằng dòng suy nghĩ thoải mái nghiêm túc. Trang Thế Hy không câu nệ vần điệu thông thường của thơ mà chỉ chú trọng tới dòng suy tưởng của nhà thơ trước cuộc đời. Cái vị “Đắng và Ngọt” là vị chính của “những cái vú cau” mà nhà thơ nhớ nhiều lần:
“Và món đồ chơi mà hình ảnh sẽ theo tôi xuống mồ là những cái vú cau lượm trong khay trầu của bà nội”… “Giờ đây trên đoạn cuối của đường đời, khi những kỷ niệm của tuổi thơ đã thụt lùi rất xa về phía bên kia của đường biên của cõi nhớ, ông già gần đất xa trời vẫn còn gặp hoài trong mộng mị những cái vú cau lượm trong khay đựng trầu của bà nội ngày xưa”…
Làm thơ khó lắm. Thơ Trang Thế Hy khó đọc. Thơ có độc giả riêng. Thơ Trang Thế Hy chọn độc giả. Chúng tôi là người mê thơ, đọc thơ Trang Thế Hy mà phát hiện ra điều thú vị. Ông khuyên nhủ chúng ta làm thơ không phải đơn giản là ghép chữ cho vần, là vịnh, là tụng… Có thể ông quan niệm hơi tuyệt đối quá, thơ Trang Thế Hy chưa đạt tới. Ông gợi mở và khuyến khích chúng ta, rằng thơ phải có cách đi riêng, cảm thụ riêng, nhận thức riêng, phản ánh riêng. Trong thơ có hai vị chính – Đắng và Ngọt! Chẳng là “thuốc đắng giã tật”, “đắng cay mới có ngọt bùi” mà… Bởi vì thơ là quốc hồn quốc túy.
Và chỉ nguyên như vậy, thơ Trang Thế Hy đã có tiếng nói hữu ích trong văn chương hôm nay.
VŨ ÂN THY
(Theo website Lê Thanh Hải)