Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng – Cần giải pháp chiều sâu

0 nhận xét



Những năm gần đây, TPHCM có nhiều chương trình hoạt động nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, nhất là các bạn trẻ ở TPHCM. Một số giải pháp để văn hóa giao thông ngày càng lan tỏa trong cộng đồng cũng đã được đề cập, tuy nhiên để mục tiêu lớn này đạt được hiệu quả, rất cần những giải pháp chiều sâu.




Vấn đề này được Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam và Ban An toàn giao thông TPHCM nêu ra, đã thu hút sự quan tâm chú ý của các ngành các cấp. Đây cũng là dự án khá dài hơi (do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam thực hiện, giai đoạn 2010-2015) nhằm xây dựng văn hóa giao thông cho người dân.

Văn hóa giao thông là nét đẹp của người tham gia giao thông, đó là những hành vi đẹp thể hiện từ việc điều khiển phương tiện giao thông đến lời nói, hành vi, cử chỉ giao tiếp và thái độ tôn trọng luật pháp như đội nón bảo hiểm, dừng đúng vạch, ý thức cộng đồng khi tham gia giao thông…


Vì sao phải xây dựng văn hóa giao thông? Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2010, cả nước xảy ra 14.442 vụ tai nạn giao thông (tăng 1.778 vụ so với năm 2009), làm 11.449 người chết, 10.633 người bị thương và phương tiện gây ra tai nạn giao thông chiếm đến 64% là mô tô, xe gắn máy. Đó là chưa kể những thiệt hại về tiền của, vật chất và những hệ lụy từ tai nạn giao thông để lại cho không ít gia đình. Nhiều vụ tai nạn giao thông xuất phát từ những vi phạm rất nhỏ.


Đáng buồn hơn, không ít vụ cãi vã, đánh nhau dẫn đến án mạng chết người rất đau lòng lại xuất phát từ những va quẹt nhỏ đến mức không đáng. Thay vì chỉ cần một lời xin lỗi là có thể hóa giải những va chạm nhưng với nhiều người, nhất là các bạn trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên, thiếu sự kiềm chế, sẵn sàng dùng “tay chân” để giải quyết sự việc – mà báo chí và các phương tiện truyền thông đã phản ánh rất nhiều thời gian qua. Tất cả những hành vi trên sâu xa đều bắt nguồn từ thiếu nhận thức dẫn đến kém ý thức về văn hóa giao thông.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh Dương, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật giao thông, để văn hóa giao thông ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 bên: lực lượng cảnh sát giao thông, nhà trường (tuyên truyền thông qua các tổ chức hội ban ngành, đoàn thanh niên), gia đình và cơ quan để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, từ đó hình thành văn hóa giao thông cho người dân.


Ở một góc khác, họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật (Đại học Quebec, Canada) La Toàn Vinh bày tỏ: “Nếu mỗi người khi tham gia giao thông đặt ý thức lên trên hết, thì mọi chuyện sẽ không trở nên phức tạp. Từ việc ý thức, các bạn sẽ dễ dàng hành xử có văn hóa với nhau khi tham gia giao thông như không chen lấn, giành đường vượt ẩu, nhường nhịn người lớn tuổi, phụ nữ…”.


Đồng tình với ý kiến này, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong cho rằng, ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, tôn trọng sinh mệnh con người đóng vai trò chủ đạo hình thành văn hóa giao thông cho mỗi người. GS Phong cũng nêu ý kiến, các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà viết kịch cần thiết vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền văn hóa giao thông cho người dân, thông qua các loại hình văn hóa nghệ thuật như ca khúc, kịch bản sân khấu hay phim ảnh…

Về việc xây dựng văn hóa giao thông hiện nay tại TPHCM, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo chia sẻ thẳng thắn: “Chúng ta đã bắt được “bệnh”, nhưng thực tế thì chưa có thuốc để trị bệnh. Theo tôi, cần thiết phải có những biện pháp xử phạt và chế tài thật nặng, đủ răn đe những đối tượng vi phạm luật giao thông. Có như thế ý thức chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông của người dân sẽ được nâng cao và lan tỏa”. 




MINH AN





(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply