Sự thật của tự do Internet kiểu Mỹ

0 nhận xét

Tháng 1-2010, thông qua bài phát biểu của Ngoại trưởng Hilarry Clinton, Chính phủ Mỹ tuyên bố nâng vấn đề tự do Internet 



lên thành một khía cạnh của nhân quyền. Lúc đó họ không chú ý lắm đến WikiLeaks và những sự kiện Tunisia và Ai Cập chưa diễn ra. Nước Mỹ cũng nhấn mạnh tự do Internet là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình, nhằm mục đích phê phán một số quốc gia mà họ cho rằng không mở cửa không gian mạng.


Rồi quả bom WikiLeaks bùng nổ, chính quyền Mỹ lúc này mới thấm đòn tự do Internet, lại ra sức ngăn cản truy cập vào trang web của WikiLeaks, kiểm soát chặt chẽ Internet. Từ đó, chính quyền Mỹ dường như không nói gì đến những từ tự do Internet.


Cho đến các cuộc biểu tình mới đây ở các nước Arập, ngày 11-2, Ngoại trưởng Mỹ lại lên tiếng ca ngợi vai trò của mạng kết nối này trong quá trình tiến tới dân chủ. Và báo New York Times cho biết, Chính phủ đã quay trở lại soạn thảo chính sách mới về tự do Internet, trong đó giải quyết vấn đề: “Internet – công cụ của chính quyền hay của những người đòi dân chủ?”.


Câu trả lời của nước Mỹ là gì?


Báo Christian Science Monitor của Mỹ viết, trong khi bà Clinton phát biểu tại Trường Đại học George Washington hôm thứ ba hô hào xuất khẩu tự do Internet ra bên ngoài, thì trong nước Cơ quan An ninh Quốc gia và Bộ An ninh nội địa đang tìm kiếm sự giám sát chặt chẽ hơn đối với không gian mạng.


Trong bài phát biểu bà Clinton không nhắc đến việc các công ty Mỹ dưới sự bảo trợ của chính phủ đang hỗ trợ các chính phủ đồng minh và cả chính phủ Mỹ ngăn cản tự do Internet. Công ty Narus hiện thuộc sở hữu của Boeing đã từng bán cho Chính phủ Ai Cập công nghệ do thám người sử dụng mạng.


Mới hai tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ còn trao giải thưởng sáng tạo cho Cisco, công ty cung cấp một số sản phẩm chính cho các chính phủ kiểm soát web. Hẳn dư luận vẫn còn nhớ, sau quả bom WikiLeaks, chính quyền Mỹ tìm mọi cách dẫn độ cho được ông chủ của trang web này về Mỹ xét xử, dù tội danh chưa thể xác định chính xác, chỉ vì ông đã tiết lộ những bí mật ngoại giao của nước này lên không gian mạng. Không chỉ thế, họ còn phong tỏa tất cả các tài khoản của WikiLeaks, cấm vận các công ty ủng hộ trang web này…


Thế nhưng, New York Times cho biết Bộ Ngoại giao nước này đang tài trợ các chương trình giúp người dùng Internet có thể vượt bức tường lửa, hướng dẫn các nhóm hoạt động làm thế nào để bảo đảm an toàn cho email của họ khỏi sự giám sát, xóa dữ liệu có thể làm bằng chứng buộc tội nếu họ bị bắt…


Chính Quốc hội Mỹ cũng đã chi 30 triệu USD để hỗ trợ công nghệ cho phép người dùng Internet vượt tường lửa bằng cách truy cập thông qua server ở một quốc gia khác, dự kiến công nghệ này sẽ được cài đặt trên hệ thống mạng để có thể chuyển giao cho những người sử dụng Internet ở các quốc gia không đi theo quỹ đạo của Mỹ, kích động lật đổ chính phủ.


Như vậy, câu trả lời của Chính phủ Mỹ đã quá rõ ràng: Tùy vào chính sách đối ngoại của nước này đối với từng quốc gia mà Internet là công cụ của ai. Và không gì có thể che giấu một sự thật: Tự do Internet chỉ là công cụ để Mỹ thực thi chính sách phục vụ cho lợi ích của họ, giúp họ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, chứ không phải được xem là một khía cạnh của nhân quyền như họ khẳng định.


Đất nước luôn tự nhận mình là dân chủ lại luôn có tiêu chuẩn kép dành cho mọi vấn đề: khủng bố cũng có tiêu chuẩn kép, nhân quyền cũng có tiêu chuẩn kép… và giờ đây tự do Internet cũng có tiêu chuẩn kép.




VIỆT TRUNG





(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply