Thành phố Hồ Chí Minh: Động lực mới từ cú hích PPP

0 nhận xét

Với một quốc gia đang phát triển như nước ta hiện nay, nguồn vốn để đầu tư phát triển là vấn đề bức thiết hàng đầu. Tháng 11-2010, Chính phủ đã ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Ngoài động thái này chúng ta cần có thêm nhiều lực đẩy nữa để triển vọng dòng vốn đầu tư ở nước ta ngày càng sáng sủa hơn.

Công trình hầm Thủ Thiêm sẽ góp phần thúc đẩy quận 2 phát triển. Ảnh: THÁI BẰNG

Nhu cầu lớn

Trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 3-2010 về ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính từ nay đến năm 2020 nước ta cần một lượng vốn đầu tư khoảng 150-160 tỷ USD để tạo bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế.

Tuy nhiên, bộ này cũng cho rằng các nguồn vốn đầu tư nhà nước truyền thống từ trước tới nay chỉ có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu trên do bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như ngân sách nhà nước có giới hạn, ODA sẽ giảm dần vì nước ta đã bước sang ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình. Đặc biệt, tổng nợ công bị khống chế ở mức không quá 50% GDP, đây là hạn mức an toàn do Quốc hội quyết định nhằm đảm bảo duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với cùng một lượng vốn đầu tư của Nhà nước, trước kia chỉ tập trung xây dựng được một công trình thì với hình thức PPP ta có thể phát triển được 3 công trình.Do vậy, xét theo tổng thể, cùng một lượng vốn đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước, nếu thực hiện theo mô hình PPP thì chúng ta có thể tạo lập được 3 lần số lượng công trình hạ tầng.

Mô hình PPP còn giúp tận dụng được kinh nghiệm của khu vực tư nhân trong quản lý, kinh doanh hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ, tiết kiệm chi phí trong xây dựng.

Trước đó, trong Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào giữa năm 2009, tổng nhu cầu vốn để nâng cấp các đô thị từ loại IV trở lên của thời kỳ này khoảng 175.000 tỷ đồng. Đây là con số khổng lồ ngay cả ở thời điểm hiện nay, nếu tính đến sự trượt giá và những chi phí phát sinh sau này thì không ai dám dự đoán số vốn cần sẽ “nở” ra đến đâu! Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế và chính sách nhằm khuyến khích và huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước…

TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước ta, cũng luôn đối mặt với sự khát vốn. Cuối năm 2010, Sở GTVT TPHCM đã có báo cáo thừa nhận một trong những khó khăn chủ yếu khi triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm ở TPHCM là thiếu vốn. Vì lý do này nhiều dự án đã bị chậm tiến độ như công trình cầu Phú Long (nối TPHCM và tỉnh Bình Dương), Đại lộ Đông Tây, tuyến tàu điện ngầm số 1 (Bến Thành-Suối Tiên)… Đặc biệt, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nơi được kỳ vọng sẽ là Phố Đông của TPHCM, tình trạng “khan vốn” càng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Thành ủy TPHCM tại Đại hội Đảng bộ lần thứ IX vừa qua, mới có 3 nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án tại đây nhưng có hai nhà đầu tư chưa làm tròn nghĩa vụ tiền thuê đất trong khi tổng vốn đăng ký đầu tư của hai dự án này lên đến hơn 1,8 tỷ USD! Bên cạnh việc phải thúc giục các nhà đầu tư sớm triển khai dự án, các nhà quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng đề ra mục tiêu kêu gọi đầu tư cho giai đoạn 2011-2015 với tổng số vốn không hề nhỏ: trên 5 tỷ USD!

Chú trọng PPP

Theo Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà, để đáp ứng được nhu cầu vốn cho phát triển nền kinh tế, rất cần xây dựng và thực hiện các chiến lược huy động vốn phù hợp trong bối cảnh các luồng vốn đầu tư trong nước, khu vực và thế giới có nhiều biến động. Trước hết, Chính phủ cần đánh giá một cách toàn diện và xử lý hợp lý mối quan hệ giữa nguồn lực trong nước và ngoài nước theo hướng đảm bảo nợ quốc gia nằm trong phạm vi kiểm soát được. Tiếp đó, chỉ đạo các bộ ngành lập kế hoạch thu hút và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn vốn.

Xác định rõ những ngành, lĩnh vực, công trình bắt buộc Nhà nước phải đầu tư triệt để và toàn bộ. Những lĩnh vực còn lại cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để huy động vốn đầu tư của toàn xã hội theo một cơ chế đầu tư minh bạch và thuận lợi, không phân biệt thành phần kinh tế. Với các dự án có tổng vốn đầu tư lớn, cần định hướng về thu xếp vốn và cơ cấu tỷ lệ vốn giữa vốn trong nước, nước ngoài, ngân hàng, Ngân sách Nhà nước và vốn chủ đầu tư. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế; xem xét phát hành trái phiếu dài hạn trong nước 10 năm nhằm thu hút vốn trong dân. Riêng các doanh nghiệp lớn có nhu cầu vay vốn nước ngoài, cần chấp nhận kiểm toán quốc tế, thực hiện xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để thuận lợi khi phát hành trái phiếu quốc tế.

Còn NGND-GS-TS Nguyễn Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TPHCM cho rằng cần sử dụng linh hoạt nhiều phương thức mời gọi đầu tư. Về lĩnh vực FDI, nước ta đã qua thời kỳ “khát” việc làm rồi và thực sự FDI chiếm nhiều quỹ đất nhưng tích lũy vốn lẫn công nghệ đem lại không nhiều, do vậy, việc kêu gọi vốn FDI phải chọn lọc. Các khu vực đô thị và vùng kinh tế trọng điểm như TPHCM thì nên ưu tiên đầu tư vào các ngành có hàm lượng chất xám cao và sản phẩm có giá trị gia tăng nhanh như công nghệ thông tin, vật liệu mới, năng lượng mới, cơ khí chính xác…

Tình hình hiện nay cho thấy hình thức PPP là một xu hướng cần được xem trọng. Các nước phát triển nhanh trên thế giới như Phần Lan, Hàn Quốc, New Zealand… đều rất coi trọng hình thức này. Ở Việt Nam lâu nay PPP vẫn hiện diện nhưng gần như là tự phát và ở mức độ sơ khai, chưa có chính sách chính thức nào dẫn dắt. Ngoài các đối tác nước ngoài, chúng ta cũng không được xem nhẹ nguồn nội lực khi biết rằng trong dân còn cả ngàn tấn vàng và hơn 5 tỷ USD cần được khơi thông. Muốn huy động được tốt các nguồn lực này, hệ thống pháp lý, chính sách đầu tư và quyền sử dụng đất đai phải rõ ràng, hợp lý và nhất quán.

Thái Hoàng Liêm


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply