Chương trình bình ổn giá tại TPHCM: Thêm mặt hàng, tăng điểm bán

0 nhận xét

Chương trình bình ổn giá tại TPHCM đã trở thành một trong những biện pháp quan trọng điều tiết giá hiệu quả. Tuy nhiên, để thực sự thành công các sở, ngành chức năng và cả các DN còn nhiều vấn đề phải làm.

Một cửa hàng của Công ty Vissan bán hàng bình ổn giá ở quận 12, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Đối mặt với áp lực tăng giá

Báo cáo của 14 doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn giá tại TPHCM cho thấy, đến ngày 30-11, công tác chuẩn bị hàng hóa đã và đang diễn ra đúng kế hoạch.

Tại nhiều DN sản xuất và kinh doanh có lượng hàng chi phối thị trường khoảng từ 15% – 30% như Vissan, Saigon Co.op, Ba Huân, Sargi… nguồn hàng bình ổn đã được chuẩn bị tăng gấp 3 – 4 lần so với kế hoạch được giao. Cả nguồn vốn lẫn nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không thiếu. Giá bán 8 nhóm hàng bình ổn (gồm gạo – nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả) sẽ ổn định đến hết tháng 3-2011.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, để đa dạng hóa nguồn hàng, phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm của người dân TP trong dịp tết, sở đã khảo sát năng lực và quy mô chăn nuôi, sản xuất của một số DN để cùng tham gia chương trình. Theo đó, các DN này sẽ không nhận tiền hỗ trợ của TP nhưng vẫn thực hiện đầy đủ các cam kết về khả năng cung ứng nguồn hàng theo số lượng và chất lượng, giá bán ổn định đến hết tháng 3-2011.

Trước mắt, TP chọn 2 DN Công ty Phạm Tôn và Tập đoàn Phú Cường cung cấp thêm mặt hàng thịt gia cầm và thủy hải sản các loại. Dự kiến, ngày 4-12, Phú Cường sẽ ký hợp đồng cung ứng hàng hóa cho 4 hệ thống siêu thị, cửa hàng của TP (gồm Co.opMart, Maximart, Satramart và Sargi) với sản lượng 125 tấn thủy hải sản/tháng. Với hợp đồng này, thủy hải sản là nhóm hàng thứ 9 được TPHCM đưa vào bình ổn giá.

Không thể phủ nhận việc thực hiện chương trình bình ổn giá tại TPHCM đã đạt được những kết quả khả quan. Mặc dù mật độ dân số và sức mua cao nhất nước nhưng liên tục những tháng vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại TPHCM luôn có mức tăng thấp hơn mức tăng bình quân so cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng. Điều này cho thấy, chương trình bình ổn giá thực sự trở thành một trong những công cụ điều tiết giá hữu hiệu

Thủy sản, mặt hàng thứ 9 được đưa vào diện bình ổn giá tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, do lượng hàng bình ổn theo tính toán của các cơ quan chức năng hiện mới chỉ chiếm khoảng 25% – 30% vào tháng thường, tháng tết tăng lên 30% – 40% so với mức tiêu dùng bình quân tại TPHCM.

Mặt khác, nguồn vốn dành cho chương trình bình ổn giá mới chỉ dừng ở mức xấp xỉ 400 tỷ đồng (cho cả chương trình bình ổn năm 2010 và Tết Tân Mão 2011), do vậy dù muốn hay không chương trình vẫn còn nhiều hạn chế.

Nói như Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, với nguồn vốn còn hạn hẹp nhưng nếu các DN sử dụng đồng vốn hiệu quả, quay vòng vốn nhanh thì nguồn hàng bình ổn sẽ đủ sức tạo sự lan tỏa, khống chế thị trường.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng, nguồn hàng dự trữ phục vụ tết đã lên tới 1.200 tỷ đồng, trong đó riêng nhóm hàng bình ổn được Saigon Co.op chuẩn bị tương ứng với gần 400 tỷ đồng (tăng gần gấp 4 lần so với số tiền nhận từ chương trình bình ổn chỉ hơn 100 tỷ đồng). Tuy nhiên, do giá thị trường và giá bình ổn cùng một mặt hàng có mức chênh lệch khá cao nên gây rất nhiều khó khăn trong việc cung ứng nguồn hàng.

Dư luận đặt ra, có hay không việc mua gom hàng bình ổn để bán lại để kiếm lời? Về vấn đề này cần được TP và các cơ quan chức năng xem xét kỹ dưới nhiều góc độ.

Tăng điểm bán để ổn định giá

Nhiều ý kiến cho rằng, hàng bình ổn chỉ mới tập trung nhiều ở hệ thống siêu thị và tại các cửa hàng DN tham gia. Trong khi đó, tại các chợ bán lẻ và khu dân cư hàng bình ổn vẫn chưa tới được. Do chưa phát triển được hệ thống phân phối rộng khắp nên người tiêu dùng, nhất là những người lao động có mức thu nhập trung bình hoặc thấp khó tiếp cận với hàng bình ổn.

Bà Lê Ngọc Đào nhìn nhận, sở dĩ hàng bình ổn mới chỉ xuất hiện nhiều tại khu vực nội thành là vì hệ thống các siêu thị và cửa hàng đã có sẵn. Đối với khu vực ngoại thành, các KCN, KCX, do phí thuê mặt bằng cao (70 USD/m2/tháng), hơn nữa mức chiết khấu của các mặt hàng này rất thấp (chỉ từ 1% – 2%), nếu các DN mở cửa hàng để bán cầm chắc bị lỗ.

Để đưa hàng bình ổn đến tay người dân và công nhân, sở đã yêu cầu Ban quản lý các KCN, KCX (HEPZA) đăng ký thời gian, điểm bán cụ thể để các DN đưa hàng bán lưu động. Về lâu dài, Sở Công thương đã đề nghị UBND các quận huyện rà soát thật kỹ các chợ bán lẻ sử dụng chưa hết công năng, các mặt bằng còn bỏ trống trên địa bàn, từ đó tổ chức các cửa hàng chuyên bán hàng bình ổn.

Trước tình hình trên, UBND TPHCM đã giao Sở Công thương lập kế hoạch chi tiết xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hàng bình ổn, trong đó đặc biệt chú trọng đến các KCN, KCX và các khu dân cư ngoại thành. Cùng với 1.980 điểm bán hàng bình ổn sẵn có, từ nay đến hết tháng 1-2011 các DN phải phát triển ít nhất 100 điểm bán mới chuyên kinh doanh các mặt hàng bình ổn.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng, cùng với phát triển tạo nguồn hàng thì khả năng phát triển hệ thống phân phối của các DN sẽ được xem là một trong những tiêu chí chính để xem xét năng lực thực sự của các DN tham gia trong chương trình bình ổn 2011.

Thúy Hải


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply