Doanh nghiệp xuất khẩu: Tận dụng cơ hội, khẳng định vị thế

0 nhận xét





Trong 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, ngoài dệt may, dầu khí… có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, hải sản đã thực sự vượt qua nhiều khó khăn thử thách để hoàn thành chỉ tiêu được giao.









  • Cơ hội tốt




Năm nay, xuất khẩu cao su tiếp tục có tín hiệu vui. Theo dự báo của Hiệp hội Cao su thế giới, nhu cầu cao su của thế giới năm 2011 sẽ đạt khoảng 11,15 triệu tấn, thế nhưng sản lượng cao su thiên nhiên của cả thế giới năm 2011 sẽ chỉ đạt khoảng 10,97 triệu tấn, do vậy giá cao su vẫn trong xu hướng tăng cao do cung thấp hơn cầu.





May áo sơ mi xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… tại Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè




Ông Đinh Vạn Tiến, Trưởng ban Xuất nhập khẩu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, ngay từ tháng 11, tháng 12 của năm 2010, các doanh nghiệp của tập đoàn đã cùng các đối tác ký hợp đồng xuất khẩu cao su với trị giá đạt trên 50% sản lượng cả năm. Riêng trong tháng 1-2011, tập đoàn đã xuất khẩu trên 80.000 tấn và từ đầu tháng 2-2011 đến nay đã có thêm 40.000 tấn cao su của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn xuất khẩu. Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2011 đến nay, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, mức tăng hiện đã đạt xấp xỉ 100 triệu đồng/tấn (tức khoảng 5.000 USD/tấn). Điều đó cho thấy nhu cầu và giá cao su đang giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng vị thế của mình trên thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp cao su cần tận dụng tốt cơ hội này ngay từ những tháng đầu năm 2011. Đối với xuất khẩu cao su biên mậu qua thị trường Trung Quốc cần phải đẩy mạnh hơn, vì giá cao su thiên nhiên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái hiện đã đạt đỉnh cao mới (khoảng 32.600 nhân dân tệ/tấn). Lý do, những tháng đầu năm là khoảng thời gian các thương gia Trung Quốc thường tập trung vốn để nhập khẩu số lượng lớn cao su từ Việt Nam, nhằm tăng cường nguyên liệu sản xuất xăm lốp ô tô, xe máy ngay trong quý 1-2011.

Năm nay, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản có rất nhiều thuận lợi do thị trường đã được mở rộng, hàng thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến 162 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với sự tham gia của 969 doanh nghiệp. Với thị trường đã được khẳng định chất lượng và uy tín, mặt hàng thủy sản của các DN VN đang vẫn tiếp tục trở thành nguồn cung cấp chủ yếu cho các nước trong năm 2011.


  • Được giá


Bên cạnh mặt hàng thủy sản, những con số thống kê cho thấy, trong tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cà phê của cả nước đạt 100.000 tấn. Các DN xuất khẩu cà phê đã đạt được thỏa thuận giá cà phê giao đến tháng 5-2011 ký với mức 2.070 – 2.080 USD/tấn. Hiệp hội Cà phê Việt Nam dự báo, nếu giá cà phê thế giới tiếp tục giữ ở mức khoảng 2.000 USD/tấn, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể đạt 2 tỷ USD trong năm nay.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam (VICOFA) Đỗ Hà Nam nhận định, năm 2011 thị trường cà phê có những biến động rất mạnh, theo dự báo, tình trạng mất mùa cà phê do thời tiết khô hạn đe dọa nhiều quốc gia trồng cà phê trên thế giới như Brazil, Columbia, Indonesia. Ngay cả Việt Nam, khô hạn cũng đang đe dọa khu vực Tây Nguyên, vùng trồng cà phê tập trung. Điều này đã tác động đến thị trường, khi nhu cầu tăng mà nguồn cung bị hạn chế. Từ cuối năm 2010 đến nay giá cà phê tăng liên tục, hiện ở mức 45.000 đồng/kg, so với cùng kỳ năm 2010, tăng gần gấp đôi về giá. Đây là mức giá rất cao so với những năm qua.




Chế biến mực xuất khẩu tại Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn. Ảnh: KIM NGÂN


Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, giá xuất khẩu điều nhân hiện nay trên thị trường thế giới đang ở mức cao. Do mùa vụ thu hoạch điều từ tháng 3 và các nhà nhập khẩu điều nhân thế giới thường tập trung mua vào giữa năm trở đi, nhất là từ quý 3 và 4 nên những tháng đầu năm lượng xuất khẩu chưa được nhiều. Dự kiến năm nay kim ngạch xuất khẩu điều nhân có thể đạt 1,4 tỷ USD (năm 2010 trên 1,1 tỷ USD). Hồ tiêu cũng là mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang có giá rất cao trên thị trường, khoảng 4.600 USD/tấn, giá trong nước hiện nay ở mức 90.000 đồng/kg. Ngay từ đầu vụ mà giá đã cao là một tín hiệu khả quan.

Những thuận lợi trong công tác xuất khẩu đầu năm phần lớn dựa vào những cố gắng đạt được trong năm qua. Việc củng cố, mở rộng thị trường vẫn là đòi hỏi bức thiết cho các DN xuất khẩu. Bên cạnh đó, chăm chút cho việc nâng cao chất lượng các mặt hàng là biện pháp tốt nhất duy trì và bảo vệ thương hiệu. Những khó khăn phía trước tuy còn nhiều và vẫn chưa thể lường hết được, song những bài học kinh nghiệm của năm trước và nỗ lực của các DN xuất khẩu trong năm nay chắc chắn sẽ được đền bù xứng đáng. Đó cũng là tín hiệu khả quan

THU TUYẾT – CÔNG PHIÊN



(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply