Đánh giá bổ sung tình hình kinh tế – xã hội 2010 và đầu năm 2011: Quyết liệt kiềm chế lạm phát

0 nhận xét



Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2010; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2011; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2010 và tình hình triển khai ngân sách nhà nước năm 2011 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và thảo luận ngày 18-2.







  • Nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn mức báo cáo




Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ đã phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề.


Theo đó, một số chỉ tiêu hoàn thành cao hơn mức dự kiến đã báo cáo Chính phủ. Đơn cử, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu lên đến 26,4% (ước hoàn thành là 19,1%), tăng 26,4% so với năm 2009 và gấp 4 lần chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 803,3 ngàn tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2009 và bằng 41,9% GDP (kế hoạch là 39,5% GDP).


Tổng hợp lại, trong tổng số 21 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Đó là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI); tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom; tuyển mới đại học cao đẳng và tỷ lệ che phủ rừng.


Trong tháng 1-2011, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước và gấp gần 2 lần chỉ tiêu kế hoạch, nhập siêu giảm, dịch vụ tăng khá…





  • Nhiều giải pháp đồng bộ




Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc công nhận, một thực tế đáng lưu ý là giá cả thị trường có biến động lớn, lạm phát ở mức khá cao. “Chính phủ sẽ ra nghị quyết với nội dung chính là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Tuần tới Chính phủ sẽ họp, phổ biến thông điệp quan trọng này tới các địa phương”, Bộ trưởng cho biết thêm.


7 giải pháp quan trọng cần triển khai trong năm 2011 cũng đã được nêu rõ trong bản Báo cáo của Chính phủ, bao gồm kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường…


Phát biểu tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH bày tỏ lo ngại về việc chỉ số giá cả tiêu dùng tăng cao. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhận định: “Không thể chỉ thỏa mãn với các con số mà phải có sự phân tích, đối chiếu để đánh giá chất lượng tăng trưởng thực sự. Vừa qua, chất lượng đời sống của nhân dân chưa song hành với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nguyên nhân quan trọng là do ảnh hưởng của lạm phát”.


Trong phần tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, một nền kinh tế phát triển tích cực thì lạm phát phải tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. “CPI tăng như vậy thì sẽ có sự chuyển hóa giữa nghèo với cận nghèo, tác động không nhỏ đến an sinh xã hội”. Phó Chủ tịch nhấn mạnh yêu cầu thực hiện những giải pháp quyết liệt hơn nữa để kiềm chế lạm phát.


Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, chính sách tài khóa sẽ được điều hành hết sức chặt chẽ, tiết kiệm. “Sẽ không tăng đầu tư xây dựng cơ bản, kể cả trong điều kiện trượt giá. Trừ các công trình đầu tư chống lũ lụt, an ninh quốc phòng thực sự cấp bách, còn lại các công trình khác nếu thực hiện không hết thì không cho chuyển vốn sang năm sau”.


Cùng với chính sách tài khóa, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, chính sách tiền tệ cũng sẽ được siết lại. Tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức dưới 20% – có thể là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.





  • Siết chặt kỷ luật ngân sách




Trong khi đó, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, tính đến 31-12-2010, tổng thu cân đối đạt 559.170 tỷ đồng, vượt 21,2% (97.670 tỷ đồng) so với dự toán, tăng thêm 31.070 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2010; trong đó thu ngân sách Nhà nước vượt lớn, ngân sách Trung ương vượt tới 48.584 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 là 109.460 tỷ đồng, bằng 5,6% GDP; giảm 0,6% GDP so với dự toán, giảm được thêm 0,2% so với số đã báo cáo QH. Tháng đầu năm 2011, tình hình thu chi ngân sách được coi là tích cực, nhờ diễn biến khả quan của hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2010.


Tại báo cáo thẩm tra sơ bộ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2010, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng việc số thu vượt dự toán quá lớn (21,2%) là vấn đề cần được xem xét, phân tích kỹ hơn; cần rà soát lại chất lượng công tác lập dự toán; dự báo thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời, xu hướng tăng chi lớn cần được lưu ý, nhất là đầu tư công có xu hướng tăng cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn so với tổng đầu tư toàn xã hội. “Cần hết sức hạn chế tình trạng tạm ứng chi ngân sách và cân nhắc sử dụng số vượt thu để giảm bội chi”, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển yêu cầu.


Đây cũng là quan điểm của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch QH yêu cầu Chính phủ sớm phân giao ngân sách cho các bộ ngành địa phương và thực hiện một cơ chế điều chuyển ngân sách linh hoạt, tránh việc chỗ cần vốn không có, chỗ có vốn lại chưa thể tiêu được.




A.THƯ





(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply