Hướng tới nắm bắt công nghệ sản xuất LED

0 nhận xét

Khu Công nghệ Cao TP.HCM vừa chấp thuận cho 3 dự án về lắp ráp đèn LED. Một khởi đầu nhằm hướng đến nắm bắt công nghệ LED tại VN.

Đầu tháng 12.2010, Công ty Cổ phần công nghệ FAWOOKIDI đã cho ra lò những sản phẩm đèn LED đầu tiên tại xưởng chế tạo của Trung tâm nghiên cứu triển khai (R&D), Khu CNC TP.HCM.

Đèn flash máy ảnh, một ứng dụng thường thấy của LED (Ảnh: Tế Nam)

Năm 2011: Đưa ra thị trường



Theo ông Lê Trọng Đỉnh, Chủ tịch HĐQT FAWOOKIDI: “Đây chỉ là giai đoạn đầu của dự án nhằm chuẩn bị cho nhà máy chính thức đi vào sản xuất trong năm 2011”.

Hiện mỗi tháng, với hai dây chuyền sản xuất, Công ty FAWOOKIDI  cho ra lò 8.000 nghìn sản phẩm. Thực tế, công ty chỉ làm công việc lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Chip LED -  phần cốt lõi của đèn được nhập từ hãng NI CHIA (Nhật Bản), còn chóa đèn, mạch, được nhập từ tập đoàn FAWOO (Hàn Quốc).

Tiến đến nắm bắt công nghệ

Đèn LED được chứng minh tiết kiệm điện đến 80% so với đèn huỳnh quang, “Bây giờ đèn huỳnh quang đã thay thế đèn dây tóc. Trong chục năm nữa, đến lượt đèn LED sẽ giành vị trí của đèn huỳnh quang. Đây sẽ là một thị trường vô cùng rộng lớn”, KS Trịnh Quang Dũng, Trưởng phòng năng lượng mặt trời, Viện Vật lý TP.HCM, nói.

LED (Light Emitting Diode, có nghĩa là linh kiện điện tử phát quang). Trong khi bóng đèn dây tóc, bóng đèn huỳnh quang đều cần từ 110 – 220 V mới sáng được thì đèn LED trắng chỉ cần từ 3 – 24V để phát sáng. Với các ưu điểm như ánh sáng lớn, độ bền cao và ít tiêu tốn điện năng, LED được ứng dụng để làm biển báo giao thông; bảng quảng cáo ngoài trời; hệ thống đèn giao thông; bảng tỷ giá; bảng chứng khoán, hay một ứng dụng thường thấy là đèn Flash hỗ trợ ánh sáng cho máy ảnh khi chụp lúc trời tối.

Tuy nhiên, không có nhiều nước nắm được công nghệ sản xuất đèn LED. Các nhà chuyên môn cho rằng để có được ngành công nghiệp LED của Việt Nam, ban đầu phải chấp nhận liên doanh với các đối tác đã nắm vững công nghệ để tiếp cận, học hỏi.

Tiếp đó mới đến giai đoạn sản xuất các bộ phận cơ khí, mạch điện. Cuối cùng phải đầu tư cả về con người để tự mình làm ra được chip LED.

Đèn LED



Ngoài việc liên kết với doanh nghiệp, hiện Trung tâm R&D đã có chương trình hợp tác với các giáo sư ở Trường ĐH Ritsumeikan (Kyoto) và Trường ĐH Osaka ở Nhật Bản để đào tạo tại chỗ và đưa người qua Nhật Bản học công nghệ, kỹ thuật cách tạo ra chip LED.



Vừa lắp ráp, vừa đào tạo

TS Từ Trung Chấn, người có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này ở Mỹ nhiều năm và hiện là chuyên gia của phòng bán dẫn Trung tâm R&D phân tích: Phải vừa liên kết lắp ráp, vừa đào tạo mới là con đường ngắn nhất để hấp thu công nghệ sản xuất LED.

Hơn nữa, chưa chắc đã mua được công nghệ mới nhất, tốt nhất. Trong khi đó, là người đi sau, chúng ta phải tạo ra được sản phẩm tốt, giá thành hạ mới mong đứng vững được.

Khu Công nghệ cao TP.HCM hiện đang sở hữu một máy MOCVD. Đây chính là máy để tạo ra các tấm Wafer, một miếng silicon mỏng được sử dụng như là vật liệu nền dùng tạo ra chip LED). Dù chỉ ở quy mô nghiên cứu, nhưng mỗi lần chiếc máy này có thể làm ra 6 tấm wafer (máy ở quy mô công nghiệp cho ra khoảng 40 wafer). Mỗi tấm wafer này có thể cắt ra được từ 10 – 20 nghìn chip LED.

Trong điều kiện thiếu con người, kỹ thuật của Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể tận dụng máy này để vừa nghiên cứu vừa sản xuất thương mại sản phẩm.

Để sản xuất được đèn LED cần phải có những thanh silicon, để cắt thành các tấm wafer. Từ các tấm wafer này, người ta sẽ in vi mạch lên để có thể tạo thành đèn LED. Công việc này phải được thực hiện trong một phòng sạch hơn phòng phẫu thuật 1.000 lần với nhiều máy móc và kỹ thuật phức tạp. Từ một tấm wafer có thể cắt được 10 – 20 nghìn đèn LED. Chất lượng, giá cả của đèn LED phụ thuộc nhiều việc tạo ra các tấm wafer và quá trình in khắc vi mạch lên đó.

Thái Ngọc


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply