Vinashin giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động

0 nhận xét

Giải quyết việc làm để người lao động ổn định cuộc sống và sản xuất hiệu quả, đưa đơn vị từng bước vượt qua khó khăn, tiến tới hồi phục và phát triển đang là những công việc được triển khai mạnh mẽ ở các đơn vị thành viên Tập đoàn Vinashin.

Giảm dần tình trạng nghỉ luân phiên

Những ngày này, khi đến các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) như Bạch Đằng, Nam Triệu, Hạ Long, Phà Rừng…, điều chúng tôi nhận thấy ngay là không khí lao động khẩn trương đang diễn ra tại các nhà máy. Kỹ sư và công nhân được huy động làm việc cả ngày cuối tuần để kịp hoàn thành tiến độ giao tàu…

Những chiếc tàu hiện đại mới xuất xưởng

Ở Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Bạch Đằng (Hải Phòng), Chủ tịch Công đoàn, ông Đào Nguyên Huấn cho biết, đơn vị có hơn 2.900 công nhân với mức thu nhập bình quân hiện nay khoảng 3 triệu đồng/tháng. Tiền bảo hiểm xã hội của người lao động đã được chi trả đầy đủ.

Ông Huấn cho hay, cách đây khoảng 1 tháng, công nhân còn phải giãn việc, dừng việc, chỉ làm 7-10 công/tháng do thiếu vật liệu sản xuất. Đến thời điểm này, nguyên vật liệu đã được bổ sung nên người lao động đã có việc làm ổn định hơn, với mức trung bình khoảng 20 công/tháng.

Cũng gặp phải những khó khăn như Bạch Đằng, Tổng Công ty Công nghiệp Phà Rừng khoảng thời gian trước tháng 8/2010, gần 6.000 công nhân phải nghỉ luân phiên do không đủ việc làm. Nhưng từ khi bắt tay thực hiện Đề án tái cơ cấu, theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Thăng, phần lớn số lao động nghỉ luân phiên của Tổng Công ty Phà Rừng đã được bố trí công việc, hiện chỉ còn khoảng 20% công nhân phải giãn việc để chờ đủ nguyên vật liệu.

Là một đơn vị thành viên sản xuất kinh doanh khá hiệu quả nhưng Công ty Đóng tàu Hạ Long cũng không tránh khỏi tình trạng mất ổn định lao động trong thời điểm khó khăn. Nhưng do đơn vị có những đối tác tin cậy nên không phải đối mặt với tình trạng thiếu hợp đồng, thiếu nguyên vật liệu sản xuất.

Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Đức Thận cho chúng tôi biết, kể từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu toàn diện Vinashin, tâm lý của người lao động đã ổn định. Hiện nay, gần 5.000 công nhân của Công ty có mức thu nhập bình quân 3,2 triệu đồng/tháng.

Còn ở Công ty Đóng tàu Phà Rừng, người lao động yên tâm và phấn khởi hơn khi đang dốc sức hoàn thành hợp đồng của Công ty Vận tải biển Vinalines với con tàu 34.000 tấn.

Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, hết năm 2010, Vinashin sẽ đóng được 66 con tàu với doanh thu khoảng 600 triệu USD và đang đàm phán để có thể ký 110 hợp đồng đóng tàu trong năm 2011. Đây là lượng công việc khá lớn và người lao động có thể yên tâm sản xuất, không còn lo phải giãn việc, nghỉ việc.

Giải quyết lao động dôi dư

Sau khi tái cơ cấu, Vinashin sẽ giảm từ 216 xuống còn 43 đơn vị thành viên. Theo tính toán, số lao động dôi dư sẽ là 13.000 người tập trung chủ yếu ở các đơn vị sẽ được cổ phần hoá, chuyển giao, bán hoặc giải thể…

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinashin, ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định, 13.000 lao động dôi dư sẽ được bố trí việc làm theo năng lực và nguyện vọng.

Theo kế hoạch này, Tập đoàn sẽ rà soát lại lao động để xác định những kỹ sư, công nhân lành nghề tiếp nhận vào làm việc tại một số nhà máy đóng tàu chủ lực.

Những lao động còn lại thuộc các công ty cổ phần hoá, bán hoặc chuyển giao sẽ được đơn vị tiếp nhận sử dụng, bố trí việc làm mới phù hợp với năng lực.

Người lao động tại một số ít các đơn vị phải đóng cửa, giải thể sẽ được Tập đoàn phối hợp với các doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương để bố trí việc làm phù hợp, cũng như giải quyết chế độ hợp lý, hợp tình.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác là trong thời gian tới đây, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề đủ năng lực để tiếp cận nhanh các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Hiện nay, Vinashin có 13 trường đào tạo nghề đóng tàu, cung cấp một lượng lớn thợ lành nghề. Những đơn vị chưa có trường nghề cũng có những cách đào tạo hiệu quả.

Chẳng hạn, Công ty Đóng tàu Hạ Long đã tổ chức những lớp đào tạo tại chỗ có chuyên gia nước ngoài hoặc thợ lành nghề hướng dẫn rất cụ thể cho thợ mới vào nghề.

Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Hạ Long Nguyễn Đức Thận cho biết, Hạ Long chủ trương đào tạo công nhân tại chỗ, trực tiếp hướng dẫn họ tìm hiểu các thiết bị công nghệ nhà máy đang sử dụng. Bởi thực tế, nhiều thợ trẻ dù được đào tạo ở trường dạy nghề nhưng khi vào làm việc tại nhà máy vẫn lúng túng, vì vậy cách hướng dẫn người lao động ngay trong điều kiện thực tế là cách làm mang lại hiệu quả tốt.

Tuy bước đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đang từng bước được tháo gỡ, lòng tin và nhiệt huyết của những người thợ đóng tàu Vinashin đang được khôi phục, củng cố, chúng ta có cơ sở tin rằng Vinashin đang hồi phục và sẽ phát triển./.


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply