Tại Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 2, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải: Cần giải pháp mạnh giải tỏa những vấn đề bức xúc

0 nhận xét

Chống tăng giá, giảm ngập nước, giải quyết sự cố sụt lún mặt đường, bình ổn giá cả, huy động vốn đầu tư phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) năm 2011 và giải tỏa các vấn đề bức xúc dân sinh là những nội dung được nêu ra trong phát biểu chỉ đạo của đồng chí LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy TPHCM (khóa IX) lần thứ 2 diễn ra chiều 2-12.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị.

Ảnh: Việt Dũng

Nâng cao năng suất lao động là thước đo chính



“Nâng cao năng suất lao động là yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững” – Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh khi phân tích tình hình KT-XH năm 2010 ở TPHCM. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp thì chất lượng lao động chưa đạt tiêu chuẩn, thiếu kỹ năng chuyên môn là rào cản lớn nhất. Năng suất lao động thấp dẫn đến thu nhập thấp và hệ quả khó lường là thị trường lao động biến động, độ dịch chuyển cao. Thêm vào đó, dòng tiền đầu tư còn dồn vào một số ngành, lĩnh vực ít tạo ra được giá trị gia tăng, ít có tính đột phá mang lại lợi ích lâu dài.

Chính vì thế, việc tập trung thực hiện 6 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa IX đề ra, trong đó tái cấu trúc lại nền kinh tế là nhằm đảm bảo cho nền kinh tế TP phát triển một cách bền vững và có hiệu quả. “Tăng tốc với mục tiêu gắn chất lượng tăng trưởng với tăng nhanh năng suất lao động, lấy tốc độ tăng năng suất lao động là thước đo chính. Năng suất càng cao thì thu nhập càng cao và khi đó quan hệ lao động cũng được cải thiện tốt hơn” – đồng chí Lê Thanh Hải nhận định.

Chia sẻ với bức xúc của người dân, nhất là bà con nghèo, gia đình chính sách trước giá cả leo thang, đồng chí cho biết, nhiều năm nay, TPHCM thực hiện chương trình bình ổn giá nhằm hạn chế hiện tượng thiếu hàng, giá cả tăng đột biến khi vào dịp mua sắm cao điểm, lễ tết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhiều điểm bán hàng chỉ tập trung ở hệ thống siêu thị mà chưa đến được các chợ lẻ và khu dân cư. Chính điều này dẫn đến việc người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ngoại thành, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất khó tiếp cận được với hàng hóa trong chương trình bình ổn.

Người dân tại TPHCM mua hàng trong chương trình bình ổn giá. Ảnh: Cao Thăng

Bí thư Thành ủy nhận định: “Việc giá cả tăng cao không chỉ làm cho đời sống của người dân thêm khó khăn mà đang làm giảm ý nghĩa của sự tăng trưởng. Do vậy, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phân bổ hài hòa hàng hóa bình ổn giá đến nhiều địa bàn không chỉ giúp người dân tăng sức mua, giảm gánh nặng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn có ý nghĩa ổn định chính trị xã hội” – Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải khẳng định.

Khai thông nguồn vốn

“Đây là một trong những vấn đề mà hiện nay TP đang đối mặt và cần quyết liệt tập trung giải quyết. Trong đó, ngoài vốn ngân sách, nguồn vốn mà TP có được sẽ từ vốn viện trợ phát triển (ODA); vốn từ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP và nguồn thứ ba là từ quản lý hiệu quả các công trình hạ tầng” – đồng chí Lê Thanh Hải nói.

Sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả là một những ưu thế của TP thời gian qua. Thể hiện cụ thể qua báo cáo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài: “TP đang tiếp tục triển khai 24 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 58.900 tỷ đồng, trong đó vốn ODA gần 46.000 tỷ đồng. Đã có 3 dự án hoàn thành và đang được theo dõi trả nợ. Như vậy, ước cả năm 2010, giải ngân đạt 3.600 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 3.000 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch vốn được giao”.

Vốn để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông là “mối lo” thường trực của TP hiện nay bởi vốn ngân sách của TP chỉ đáp ứng khoảng 30%; 70% còn lại TP phải tìm nguồn từ bên ngoài. Các biện pháp trước mắt của TP là tập trung mọi nguồn lực, thực hiện nhiều phương thức như kêu gọi vốn đầu tư ODA, BOT, phát hành trái phiếu đô thị, đổi đất lấy hạ tầng, vận động người dân hiến đất làm đường… Đồng chí Bí thư đề nghị các đơn vị nhân rộng cách làm đồng bộ như đã áp dụng trong xây dựng cầu Phú Mỹ để thực hiện các công trình trọng điểm khác của TP, qua đó tiết kiệm ngân sách.

Đồng chí Bí thư Thành ủy đặc biệt quan tâm đến việc xử lý, sắp xếp nhà đất trên địa bàn TP để tạo vốn cho TP. Theo báo cáo của Sở Tài chính, hiện trên địa bàn TP đã xác định được 10.535 địa chỉ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước với tổng diện tích trên 232 triệu m². Đến nay, Bộ Tài chính và UBND TP đã thu hồi được 207 địa chỉ nhà đất sử dụng không hiệu quả. Tổng số tiền TP thu được từ sắp xếp lại nhà đất là 16.469 tỷ đồng, được bổ sung vào nguồn ngân sách Nhà nước sử dụng cho đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn TP.

TUẤN SƠN – HỒNG HIỆP


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply