Sản xuất công nghiệp TPHCM: Tăng trưởng cao, chuyển biến theo chiều sâu

0 nhận xét



Sản xuất công nghiệp trên địa bàn TPHCM năm 2010 phục hồi mạnh mẽ sau năm 2009 đầy khó khăn do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Đặc biệt trong suốt quý 4, mức tăng lũy kế của các tháng đều cao: 10 tháng tăng 14%; 11 tháng tăng 13,9%; 12 tháng ước tăng 14,2% (trong khi năm 2009 chỉ tăng 8,3%) với tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 609.268 tỷ đồng.









Sản xuất máy tính tại Công ty cổ phần điện tử Tân Bình.

Ảnh: CAO THĂNG




Các ngành trọng điểm tăng mạnh

 

Theo Cục Thống kê TPHCM, sản xuất công nghiệp trên địa bàn TPHCM năm 2010 có tới 23/27 ngành tăng, trong đó có 10 ngành tăng cao hơn mức tăng chung.

Nhóm ngành cơ khí dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng với sản phẩm kim loại tăng 21,9%; máy móc thiết bị tăng 28,9%; thiết bị điện tăng 32,4%. Từ mức giảm đầu năm là 2,5%, đến nay da giày đã có mức tăng thuộc nhóm cao trong toàn ngành với 28,3%; kế đến là cao su, plastic tăng 21,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 22%.


Mức tăng ở một số ngành có tỷ trọng lớn như sau: thực phẩm đồ uống (chiếm tỷ trọng cao nhất) tăng 11,6%; dệt tăng 6,6%; may tăng 13,4%; hóa chất tăng 10,4%; vật liệu xây dựng tăng 9,4%…


Đáng lưu ý, trong năm 2010 có 2 ngành đang có xu hướng tăng chậm và giảm là lắp ráp ô tô và sản phẩm điện tử, chủ yếu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài do không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập.


Đối với các ngành sản xuất bị giảm vẫn là những ngành có tỷ trọng thấp gồm khai thác than, thiết bị văn phòng, sửa chữa phương tiện vận tải và sản xuất phân phối nước.

 

Theo đánh giá của Sở KH-ĐT TPHCM, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng tiếp tục được cải thiện từ hướng tăng trưởng theo chiều rộng của các giai đoạn trước sang tăng trưởng theo chiều sâu, tăng đầu tư cho công nghệ, đổi mới trang thiết bị; khoảng cách giữa tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp thu hẹp dần.


Tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh có xu hướng tăng dần; tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động giảm dần và chuyển dịch về các tỉnh lân cận nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu và lao động có sẵn tại địa phương như: chế biến lương thực – thực phẩm, dệt may, da giày.

 

Qua 5 năm triển khai Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ trọng giá trị sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng yếu (gồm ngành cơ khí, hóa chất – nhựa – cao su, điện tử – công nghệ thông tin và chế biến tinh lương thực – thực phẩm) liên tục chiếm trên 50% tổng giá trị của ngành công nghiệp và tăng dần qua các năm: tăng từ 55,4% vào năm 2005 lên 56,5% vào năm 2006, lên 56,9% vào năm 2007; năm 2008 mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng tỷ trọng của 4 ngành này vẫn tiếp tục chiếm 56,9%, năm 2009 tăng lên là 58,4% và năm 2010 dự ước đạt 60%.




Nâng chất tăng trưởng




Hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2010 đã có mức tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay. Lãi suất hiện đứng ở mức 18%-19%, chi phí đầu vào, nguyên vật liệu tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc chuẩn bị nguồn lực cho hoạt động sản xuất trong thời gian tới.


Lãi cao nên nhiều DN đang đứng trước bài toán nếu vay thì sẽ chỉ đi làm không công để trả nợ ngân hàng (theo tính toán khi lãi vay đã đạt xấp xỉ mức 20% thì lợi nhuận buộc phải đạt tới 25%, mới đảm bảo việc hòa vốn).


Theo dự báo, năm 2011, nguồn điện cung ứng cho hoạt động sản xuất có thể căng thẳng hơn, sẽ tác động toàn diện đến sản xuất kinh doanh của các DN. Với những gì đang diễn ra, các DN buộc phải tính toán và bươn chải nhiều hơn mới bảo toàn được đồng vốn, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.


Để hỗ trợ các DN nâng cao năng lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, TPHCM đã giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP phối hợp với các sở ngành chức năng tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP giai đoạn 2011-2015.


Đối với lĩnh vực công nghiệp, tập trung triển khai chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và chương trình phát triển của 4 ngành công nghiệp chủ lực đã được phê duyệt (cơ khí tự động hóa, điện tử – viễn thông – tin học, công nghiệp hóa chất và dược phẩm, chế biến lương thực – thực phẩm), đồng thời lựa chọn một số công đoạn có giá trị gia tăng cao trong các ngành công nghiệp truyền thống để đầu tư tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như chế biến sản phẩm cao cấp từ cao su, công nghiệp thời trang trong ngành dệt may, phát triển công nghiệp phụ trợ, tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch phát triển thêm một số khu vực công nghệ cao, khu công viên phần mềm…


Trước mắt, TPHCM sẽ tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận các nguồn vốn của các DN kiến nghị lên các bộ, ngành chức năng xem xét giải quyết. Về phần mình, TP sẽ đẩy mạnh việc triển khai Quyết định 20 của UBND TPHCM về chương trình hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư trong nước thuộc chương trình kích cầu trên địa bàn TPHCM.


Với những DN có dự án đầu tư tốt nhưng không có tài sản thế chấp ngân hàng cũng có thể vay được vốn thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ DN vừa và nhỏ TPHCM.


Song song đó, TP sẽ ưu tiên ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất kinh doanh và phát triển các sản phẩm ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến có hàm lượng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa; xây dựng các “Cụm liên kết sản xuất” để tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ; tiếp tục bổ sung và hoàn thiện cơ chế, giải pháp khuyến khích các DN đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị trong các lĩnh vực TP ưu tiên phát triển, tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích DN nâng cao hoạt động nghiên cứu và phát triển…




THÚY HẢI – UYỂN NHƯ





(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply