Hướng mở tín dụng nông nghiệp nông thôn

0 nhận xét

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về tín dụng nông nghiệp nông thôn đến nay mới hơn 6 tháng nhưng đã mở ra cơ hội cho sản xuất nông nghiệp, giải được cơn khát vốn cho nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ.

Nguồn vốn dồi dào

Theo Nghị định 41, cơ chế cho vay thông thoáng, mức cho vay lớn, các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng; các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng; các HTX, trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng…

Có thể thấy rõ, Nghị định 41 được xem là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nông dân ĐBSCL tìm mua máy móc sản xuất nông nghiệp nhờ chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn. Ảnh: T.M.T.

Triển khai vấn đề này, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) đã chủ động phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền và triển khai tới hệ thống Agribank cơ sở nhằm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả, đáp ứng vốn kịp thời cho các đối tượng vay vốn.

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2010, Agribank tiếp tục bổ sung nguồn vốn 13.000 tỷ đồng cho vay trung, dài hạn để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thời gian qua, Agribank đã đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng cho vay hộ sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Tính đến nay, tổng dư nợ của Agribank đạt trên 400.000 tỷ đồng, trong đó có tới 70% là nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Xác định được tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong chiến lược phát triển, Ngân hàng TMCP Liên Việt cũng đã triển khai đề án đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL năm 2010 và định hướng đến năm 2013. Đây cũng là chính sách tín dụng gắn doanh nghiệp với nông dân, cho vay khép kín, đảm bảo liên kết các nhà sản xuất, chế biến, xuất khẩu với nông dân nhằm giúp cho người dân sản xuất có lãi.

Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban đề án nông nghiệp nông thôn Ngân hàng TMCP Liên Việt, cho biết: “Đề án được thí điểm đầu tiên tại tỉnh Hậu Giang, đến nay ngân hàng triển khai thêm một số tỉnh khu vực ĐBSCL. Từ tháng 5 đến giữa tháng 10-2010, tổng dư nợ trên 1.091 tỷ đồng, đạt 54,56% kế hoạch năm 2010. Với đề án này, nông dân ở An Giang, Cần Thơ và Hậu Giang được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý, kịp thời đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

Theo Nghị định 41, nông dân được vay khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giảm áp lực về trợ giá nông thủy sản nhưng thực tế rất ít dự án sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Agribank Vĩnh Long, chi nhánh Vĩnh Long, được tăng cường nguồn vốn 400 tỷ đồng cho vay phục vụ mục tiêu này, nhưng đến nay chỉ giải ngân được khoảng 200 tỷ đồng; chủ yếu cho vay thu mua lương thực, chế biến, nuôi cá tra. Mức cho vay theo mục tiêu này khá cao, 50 – 500 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, ở khu vực nông nghiệp – nông thôn, người dân chưa có nhiều dự án tốt, khả thi để hưởng ưu đãi từ nguồn vốn trên.

Còn vướng mắc

Mặc dù chính sách mới đã tạo động lực mới trong việc khơi thông nguồn vốn tín dụng về nông thôn nhưng vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Nghị định 41 là một bước tiến quan trọng trong chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn để mua nông cụ phục vụ sản xuất của nông dân vẫn còn khó khăn bởi các ngân hàng đưa ra yêu cầu người mua máy phải biết sử dụng máy, nhưng trên thực tế không phải ai cũng biết.

Hiện nay nông dân Đồng Tháp rất “chật vật” khi tiếp cận nguồn vốn vì họ khó đề ra một dự án khả quan thuyết phục đối với ngân hàng. Thêm vào đó, nghị định ghi rõ là nông dân có thể vay tín chấp nhưng phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – điều kiện này không khác gì so với vay thế chấp. Do đó, nếu không có chính sách cụ thể, những vấn đề này sẽ cản trở quá trình triển khai Nghị định 41.

Nông dân Trần Văn Mãnh (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho biết: “Trước đây, khi mua phân bón, người dân hay mua thiếu hoặc mua lẻ phải chịu giá cao. Nhưng từ khi được vay vốn ngân hàng, nông dân không còn chịu khoản chênh lệch giá nữa. Nhưng để vay được vốn của ngân hàng, thủ tục còn quá nhiều, nếu để nông dân được tiếp cận vốn nhiều hơn, ngân hàng cần nghiên cứu đơn giản hơn nữa thủ tục vay vốn”.

Chính bởi điều này, để giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn, các tổ chức tín dụng cần phải công khai hóa thủ tục và hướng dẫn người vay vốn cách sử dụng đồng vốn vay hiệu quả nhất để tránh rủi ro. Thực tế tại TP Cần Thơ đã có nhiều hộ vay vốn về nhưng lại không biết phải làm sao sử dụng nên họ cất đi, một số hộ khác dùng để mua ti vi, tủ lạnh…

Lý giải điều này, một giám đốc chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT cấp tỉnh cho biết: “Tâm lý e ngại là rào cản lớn của người nông dân. Ngại đến ngân hàng tìm hiểu thông tin để vay vốn cũng là vấn đề hạn chế nhất của người nông dân, làm giảm cơ hội làm ăn. Nông dân nên mạnh dạn đến trao đổi trực tiếp với ngân hàng những vấn đề mà người dân quan tâm, từ đó sẽ thuận lợi hơn nhiều trong việc đầu tư vốn.

Thời gian qua, việc đầu tư cho hộ cá thể và trang trại vay vốn phát triển được triển khai, nhưng riêng mô hình HTX, ngân hàng chưa đầu tư được. Vì cách thức làm ăn của các HTX hiện nay còn mang nặng tính cá thể, chưa đúng nghĩa của HTX, dù ngân hàng rất muốn đầu tư nhưng gặp nhiều khó khăn”.

Chính những vướng mắc đó khiến cho việc thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ, với nhiều ưu đãi, khó trở thành động lực giúp cho nông nghiệp, nông thôn phát triển, nếu không sớm được khơi thông.

TRẦN MINH TRƯỜNG


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply