Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam: Hát trên biển, đảo Trường Sa

0 nhận xét

Trong chuyến đi công tác biển, đảo Trường Sa từ ngày 14-4 đến ngày 23-4-2011, tôi được may mắn đi cùng với đoàn nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Chuyến đi thực tế, tìm hiểu tình hình biển, đảo và thăm hỏi, động viên bộ đội và nhân dân biển, đảo Trường Sa đợt này sẽ khó có thể toại nguyện nếu thiếu vắng lời ca tiếng hát của các nghệ sĩ.

Ca sĩ Huyền Trang hát tặng một số chiến sĩ bận canh gác không dự chương trình giao lưu

Nhóm nghệ sĩ gồm 6 người do nhạc sĩ Đỗ An-Phó trưởng phòng Nghệ thuật làm Đoàn trưởng, cùng các thành viên: Phương Thùy, Huyền Trang, Thanh Liêm, Minh Đức, Anh Tuấn. Do cơ cấu của đoàn cần phải ít người, nên mỗi thành viên đều phải đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, từ việc biểu diễn đến dàn dựng chương trình, chơi Oóc-gan, ghi-ta, vừa làm MC, vừa bưng bê lắp ráp trang âm, ánh sáng… nghĩa là không từ một công việc gì, tất cả đều nhập cuộc đầy trách nhiệm, say mê.

Tính ra, trong suốt hành trình, đoàn công tác đến 9 điểm đảo và nhà giàn, nơi ở lại lâu nhất là 4-5 giờ đồng hồ, nơi ít nhất cũng khoảng 2 giờ. Các chương trình giao lưu văn nghệ diễn ra cũng rất linh hoạt. Trên đảo nổi như: Trường Sa Lớn, An Bang… thì biểu diễn có sân khấu dã chiến hẳn hoi. Còn lại, trên đảo chìm và nhà giàn, chỉ là hát giao lưu, ngồi quây quần thành vòng tròn cùng các chiến sĩ, không có loa, với một cây đàn ghi-ta cũng đã đủ vui.

Hát trên đảo chìm

Nhớ nhất đêm biểu diễn trên đảo Trường Sa Lớn. Giữa cột mốc chủ quyền thiêng liêng của biển, đảo Trường Sa, một sân khấu dã chiến dựng lên, có đủ phông, loa, âm thanh, ánh sáng. Đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo đã tham dự. Chương trình được kết hợp với nhóm vũ đoàn của Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh. Các tiết mục chuyên nghiệp xen kẽ với các tiết mục giao lưu của các chiến sĩ. Kết thúc bằng các điệu nhảy. Một chương trình thật ấn tượng. Phần các tiết mục âm nhạc tạo điểm nhấn là những bài hát về biển, đảo quê hương và người chiến sĩ đang canh giữ biển. Tốp ca nam nữ mở đầu bằng bài hát của Đỗ An mang tên “Hát mãi về Trường Sa” với giai điệu khỏe khoắn, vang vọng, náo nức tự hào. Sau đó là các tiết mục tam ca nam Minh Đức, Anh Tuấn, Thanh Liêm. Một giọng hát được các chiến sĩ đón nhận nồng nhiệt đó là ca sĩ Huyền Trang, một giọng hát ngọt ngào chất dân ca đã vang lên giữa không gian lộng gió với những ca khúc như Hà Tĩnh mình ơiVọng lời ru. Bên cạnh đó là Phương Thùy với chất giọng trẻ trung, hiện đại trong ca khúc Trái cam mặt trời. Nhiều người vẫn còn nhớ Phương Thùy là người đã từng đoạt giải cuộc thi “Tiếng hát mùa thu” do Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội tổ chức năm 2010. Minh Đức với chất giọng nam cao trong sáng, trữ tình bằng ca khúc Rặng trâm bầu, Anh Tuấn với ca khúc Tình đất, Thanh Liêm với Bến cảng quê hương tôi… Tất cả đã tạo nên một đêm diễn thành công, có chất lượng nghệ thuật. Khoảng 22 giờ đêm thì các nghệ sĩ phải chia tay các chiến sĩ đảo Trường Sa, các chiến sĩ ra tận cầu tàu để nắm tay nhau cùng các ca sĩ và gần trăm thành viên trong đoàn công tác hát hết bài này đến bài khác trong sự thăng hoa tột độ, không muốn rời nhau. Đến khi còi tàu rú lên ba hồi tiễn biệt, mọi người mới chịu chia tay trong nỗi bùi ngùi xúc động. Nhưng ánh mắt thân thương, những lời chào vội vã, những bàn tay vẫy mãi cho đến khi tất cả nhòa vào đêm tối giữa trùng khơi.

 

Hát cùng chiến sĩ trên đảo nổi An Bang

Trưởng đoàn nghệ sĩ Đỗ An tâm sự: “Tôi nói với các thành viên trong đoàn rằng hãy nhìn vào mắt các chiến sĩ để mà biểu diễn. Tức là thấy được tâm hồn họ, nỗi chờ đợi và khao khát ở họ, sự hy sinh thầm lặng của họ… để mà cháy hết mình”.

Có một cách tổ chức chương trình rất thú vị. Chả là, đến với mỗi đảo nổi và nhà giàn, số các chiến sĩ tham gia giao lưu chỉ khoảng mươi người. Thế là đoàn ca nhạc hát theo cách hỏi thăm quê quán mỗi chiến sĩ ở tỉnh nào để hát bài hát về tỉnh ấy. Nếu là Nam Định thì sẽ là Nghe tiếng Đò Quan, nếu là Thanh Hóa thì Chào sông Mã anh hùng, nếu Quảng Ninh thì lại Tôi người thợ lò… Rồi sau đó thì hát theo yêu cầu, hát cùng các chiến sĩ. Mỗi lần đến thăm một điểm đảo nào đó đều theo cái cách linh hoạt như vậy. Rất tự nhiên, gần gũi, thân tình. Chia tay ra về, cả chiến sĩ và ca sĩ lòng bao quyến luyến.

Tôi bảo: Các ca sĩ hãy nói cho tôi một điều gan ruột nhất trong chuyến đi Trường Sa lần này, mỗi người nói một cách riêng. Thanh Liêm tâm sự: “Các chiến sĩ sống ở đảo người ta chân thành, trung thực vô ngần. Ở đây không có chỗ cho sự nói dối. Gặp họ, thấy nhiều yêu thương lắm”. Còn Thùy Trang thì thổ lộ: “Em chỉ nghĩ về hai chữ thôi, đó là sự sống. Sự sống ở đây ngời lên trong mỗi người chiến sĩ, trong từng cái cây, ngọn cỏ. Sự sống làm nên sức mạnh của biển, đảo nơi đây”. Cô ca sĩ mới 23 tuổi đời này đã có được những ý nghĩ sâu xa đến vậy.

Kết thúc hành trình, trong buổi tổng kết chuyến đi hôm 23-4 tại hải cảng thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, thay mặt cho Bộ tư lệnh Hải quân, Chính ủy – Phó đô đốc Trần Thanh Huyền đã trao tặng Bằng khen cho đoàn nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương vì “Đã có thành tích xuất sắc trong biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa và DK1 năm 2011”.

Bài và ảnh: VĂN GIÁ


(Theo www.lethanhhai.net)

Leave a Reply