Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo điều hành chương trình nói và làm về bình ổn giá thuốc

0 nhận xét

Tại chương trình “Nói và làm” do Đài Truyền hình TPHCM kết hợp với HĐND TP tổ chức sáng 1-5 đã bàn về vấn đề bình ổn giá thuốc tây trên địa bàn TPHCM. Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, dù TP đã thí điểm triển khai chương trình bình ổn giá thuốc với hơn 300 nhà thuốc tham gia nhưng tình hình giá thuốc cứ liên tục tăng là vấn đề xã hội chưa an tâm…

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Việt Nam hiện có hơn 20.000 mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường. Với 101 nhà máy GMP (tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất), năng lực sản xuất thuốc của Việt Nam cơ bản đáp ứng nhu cầu, đặc biệt nhóm thuốc thiết yếu. Tại TPHCM, thực hiện chương trình bình ổn, giá bán tại các nhà thuốc cam kết bán bình ổn sẽ thấp hơn giá thị trường chung 10% ít nhất 1 năm.

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan vấn đề quan tâm của ngành là phải đảm bảo đủ thuốc, đạt chất lượng, sau đó mới bàn vấn đề giá cả, tùy loại thuốc mà thặng số lợi nhuận nhiều hay ít nhưng cao nhất cũng không được vượt 20%. Hiện loại thuốc dưới 1.000 đồng/viên thì cho phép thặng số lợi nhuận cao nhất 20%, còn loại trên 1 triệu đồng/liều thì lợi nhuận không quá 5%. “Tuy nhiên, quy định này chỉ áp cho các nhà thuốc bệnh viện, nên chăng cho áp luôn với cả nhà thuốc bên ngoài”- PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan đề nghị.

Quang cảnh Chương trình “Nói và làm” cuối cùng sáng 1-5 về chủ đề bình ổn giá thuốc tây.

Các đại biểu tham gia chương trình cho rằng trong cơ chế thị trường hiện đại, quyết định nằm trong tay người mua nhưng ở mặt hàng thuốc thì ngược lại, quyền quyết định nằm trong tay nhà sản xuất, phân phối. Nghịch lý này lâu nay gây bất bình trong cộng đồng xã hội. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận không loại trừ do yếu tố trung gian quá nhiều và những lỗ hổng trong đấu thầu thuốc. Giá trúng thầu thuốc đôi khi là giá cao, vì những doanh nghiệp đưa ra giá thấp lại không đáp ứng những quy định đưa ra.

Đại biểu HĐND TP Nguyễn Văn Minh cho rằng thuốc có tăng giá cỡ nào thì người bệnh cũng phải mua vì họ không có sự lựa chọn nào khác; quản lý Nhà nước về giá thuốc hiện nay đi sau lưng doanh nghiệp nên còn lâu người bệnh mới hết khổ. Cùng quan điểm, ĐB HĐND TPHCM Nguyễn Công Hùng cũng nhìn nhận, việc đấu thầu thuốc được áp dụng như kiểu đấu thầu xây dựng tại Việt Nam hiện nay thì thế giới chưa nơi nào làm. ĐB Huỳnh Công Hùng cho rằng Nhà nước nên tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước phát triển. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đề xuất và định hướng quy hoạch, đầu tư công nghiệp dược.

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng dù TP đã thí điểm triển khai chương trình bình ổn giá thuốc với hơn 300 nhà thuốc tham gia, nhưng tình hình giá thuốc cứ liên tục tăng là vấn đề mà xã hội chưa an tâm. Theo Chủ tịch Phạm Phương Thảo, thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới đây cho thấy nhóm mặt hàng tân dược tăng 3,2%, trong đó có nhiều mặt hàng là thuốc nhập khẩu.

Tại chương trình, nhiều ý kiến cho rằng giá thuốc tăng cao là do qua quá nhiều tầng nấc trung gian, nhà thuốc mạnh ai nấy bán… Theo các chuyên gia, cách bình ổn hay nhất là làm sao để người dân dùng thuốc do trong nước sản xuất. Để làm điều này, thầy thuốc là người có vai trò quyết định qua việc kê toa. Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước nên tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước phát triển. Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, giải pháp bớt gánh nặng giá cho người dân là ưu tiên sản xuất thuốc trong nước và hướng đến BHYT toàn dân .

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo điều hành chương trình nói và làm về bình ổn giá thuốc

Bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho rằng hơn ai hết, bệnh viện luôn nắm được cơ cấu bệnh tật và nhu cầu dùng thuốc của người bệnh. Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã thực hiện nghiêm ngặt việc đấu thầu thuốc, khi đấu thầu xong, đơn vị trúng thầu phải cam kết giữ giá ít nhất một năm, dù có biến động giá hay lỗ cũng phải “cắn răng” chịu. Hiện 100% nhà thuốc bên ngoài bệnh viện bán không đủ thuốc và giá thuốc của nhà thuốc bệnh viện không cao hơn bên ngoài. Ông đề xuất cách bình ổn giá thuốc là nên tăng cường đưa thuốc nội vào đấu thầu trong bệnh viện.

Theo ông Phạm Trung Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Euvipharm, chất lượng thuốc sản xuất trong nước không thua kém thuốc nhập khẩu và trong thời điểm này, ngành dược cần hợp sức với xã hội để chia sẻ khó khăn với người dân. Ông Ngô Chí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Eco (đơn vị tham gia bình ổn giá với chuỗi hàng chục nhà thuốc), cho biết chi phí đầu vào để sản xuất thuốc hiện tăng 21%, tuy nhiên không phải dễ dàng tự tăng giá nên cần có chính sách hỗ trợ về thuế từ Nhà nước.

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao giải pháp bình ổn của TP đang thực hiện. Bà cho biết, để bình ổn thị trường thuốc và bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã đề ra các giải pháp là thay đổi quy chế đấu thầu thuốc tập trung; giảm thặng số bán lẻ tối đa xuống còn 5%; tạo điều kiện cho thuốc nội vào bệnh viện; đề nghị điều chỉnh Luật Dược; tăng quỹ dự trữ thuốc quốc gia từ 350 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt… Bà cũng đồng tình chuyện thặng số lợi nhuận không vượt 20% là một trong những giải pháp. Bên cạnh đó, các bệnh viện phải tổ chức đấu thầu thuốc trước ít nhất 6 tháng và khi đã trúng thầu phải giữ giá trong vòng 1 năm. Nếu nhà thầu nào trúng mà bỏ cuộc thì sẽ bị cấm tham gia đấu thầu trong 2 năm.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế đang trình Chính phủ ban hành một nghị định riêng về đấu thầu thuốc tây chứ áp dụng quy định về đấu thầu trong xây dựng cho lĩnh vực y tế như hiện nay là không ổn. Song song đó, Bộ Y tế khuyến khích “người Việt dùng thuốc Việt” để khắc phục hiện tượng coi thường thuốc nội, giảm nhập khẩu thuốc ngoại và tăng thuốc sản xuất trong nước…

Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng: Chương trình bình ổn giá thuốc là một tín hiệu mừng cho người dân trong giai đoạn lạm phát này. Tuy nhiên, cần phải khắc phục tâm lý coi thường thuốc nội vì có những loại thuốc trong nước sản xuất không những xuất khẩu sang châu Phi mà còn sang cả châu Âu. Song song đó là quản lý tốt hơn nữa về giá thuốc nội và ngoại nhập, đặc biệt là thuốc đặc trị. Cuối cùng là đề xuất quy hoạch, định hướng về các chính sách đầu tư, chính sách thuế để phát triển ngành công nghiệp dược trong nước.

T. M – T. X


(Theo www.lethanhhai.net)

Leave a Reply