Thành phố Hồ Chí Minh 36 năm xây dựng và phát triển

0 nhận xét

Hơn một phần ba thế kỷ là thời gian không dài so với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc và lịch sử hơn 300 năm hình thành & phát triển Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đây là thời kỳ đầy sóng gió, luôn đan xen những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức, sự đụng chạm quyết liệt giữa cái cũ và cái mới làm cho đời sống xã hội Thành phố Hồ Chí Minh luôn sôi động, trong đó có những giai đoạn thật cam go quyết liệt nhưng lại có những thành tựu nổi bật với những mốc son quan trọng của quá trình phát triển, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, năng động sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại.

1. Vượt qua trở lực, tìm tòi hướng phát triển phù hợp, góp phần tạo tiền đề đổi mới

Vài năm đầu sau giải phóng, với sức mạnh tinh thần của những năm tháng quật khởi được nhân lên gấp bội trong đại thắng mùa Xuân 1975 và có nguồn dự trữ nguyên liệu, tiềm lực kinh tế thành phố còn khá nhờ được giải phóng nhanh và hầu như nguyên vẹn, nên các ngành sản xuất tiếp tục tăng, số người thất nghiệp giảm, các yếu tố văn hóa mới có đất nảy sinh phát triển. Song sang năm 1979 – 1980, tình hình kinh tế sa sút nghiêm trọng, sản xuất, dịch vụ đều giảm; giá cả thị trường tăng liên tục, có năm tăng trên 40%. Đời sống vô cùng khó khăn, lương không đủ ăn, dân Sài Gòn lần đầu tiên trong lịch sử phải ăn độn, có khi đến 90%. Tình trạng “làm không ra làm, ăn không ra ăn, ở không ra ở” nơi “đô thị phồn hoa” trở thành phổ biến. Thêm vào đó, chiến tranh biên giới TâyNam rồi phía Bắc xảy ra. Thiên tai diễn ra 3 năm liền ở Nam bộ. Những sai lầm trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, tình trạng ngăn sông cấm chợ … gây ra biết bao gian truân cho cuộc sống, đặc biệt gây nên tâm lý bất an cho mọi tầng lớp xã hội.

Trước những khó khăn chồng chất, thành phố đã phát huy bài học kinh nghiệm của những năm tháng đấu tranh đầy khốc liệt của chiến trường trọng điểm, tin tưởng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào trí tuệ và công sức của quần chúng, vì lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tìm tòi những hình thức, bước đi thích hợp, tháo gỡ khó khăn, ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm an dân, đồng thời tạo điều kiện cho sản xuất “bung ra”, chăm lo cải thiện đời sống của nhân dân. Hướng tháo gỡ trước hết là thoát khỏi cơ chế cũ, thoát khỏi sự trói buộc của chế độ cấp phát – giao nộp, thiết lập quan hệ kinh tế bình thường theo qui luật sản xuất hàng hóa, mở rộng quan hệ thị trường, trước hết trong vùng Nam bộ và thị trường quốc tế vốn có của Sài Gòn trước đây. Tháng 8/1979, Thành ủy ra Nghị quyết số 9 về những vấn đề đó, và thật hạnh phúc, tháng 9/1979 Nghị quyết TW 6 (khóa IV) ra đời, sau này thường gọi là “Nghị quyết bung ra”, đề ra hướng tháo gỡ bế tắc của cơ chế cũ với những chính sách lỗi thời, được Đại hội X của Đảng tổng kết là “bước đột phá đầu tiên” của quá trình đổi mới. Một hướng đột phá khác là mạnh dạn vay ngoại tệ để nhập nguyên liệu sản xuất hay xuất khẩu để tự cân đối và tích lãi, tái đầu tư. Hàng loạt xí nghiệp đã tích cực tìm tòi cách tháo gỡ khó khăn, những kết quả bước đầu được nhân rộng, nhiều yếu tố “đổi mới” xuất hiện. Ấy vậy mà, sức ì của cái cũ đã không dễ dàng bị xóa bỏ. Thành phố bị phê lên phê xuống, cuối năm 1982, trong vòng 1 tháng có 6 đoàn kiểm tra đến thành phố, phê phán, lo ngại sự phát triển của thành phố theo con đường tư bản chủ nghĩa. Không những vậy, từ quan điểm đó, một số qui định mới về sản xuất kinh doanh, nhất là về xuất nhập khẩu, về kiều hối, giá bán buôn … được ban hành lại trói tay các đơn vị sản xuất kinh doanh, làm tình hình trở nên phức tạp hơn.

Hàng năm, TPHCM có hàng trăm gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được biểu dương, khen thưởng.

Nhưng với bản lĩnh và trách nhiệm, trước nhân dân, trước Trung ương Đảng, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kiên trì tìm cách vượt qua mọi trở ngại. Sự kiện “Hội nghị Đà Lạt” tháng 7/1983 được đánh giá như một mốc son lịch sử của sự trưởng thành của Đảng bộ Thành phố. Nhân dịp một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào Đà Lạt, Thành ủy đã bố trí để một số giám đốc xí nghiệp đến báo cáo tình hình thực tiễn, những kết quả tháo gỡ khó khăn ở cơ sở. Nghe các đơn vị báo cáo xong, từ ngày 13 đến 16/7/1983 các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã làm việc với lãnh đạo thành phố cùng một số ban ngành liên quan. Sau Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã về thành phố khảo sát thực tiễn, kiểm tra thực tế, so sánh những điều đã được nghe và thảo luận. Kết quả của đợt công tác đó đã có tác động đến Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa V) mở ra một giai đoạn tiếp tục điều hành, xác lập quan điểm đổi mới trong quá trình hình thành đường lối đổi mới được xác định trong Đại hội VI của Đảng.

Có thể nói rằng, 10 năm đầu sau giải phóng miền Nam là thời gian vô cùng khó khăn với sự khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng, Thành ủy Thành phố Hổ chí Minh đã có sự phấn đấu quyết liệt, với bản lĩnh và trách nhiệm cao vượt qua các trở lực để thoát dần khỏi cơ chế cũ, hình thành mô hình phát triển mới, khơi dậy sức sáng tạo của quần chúng, năng động, sáng tạo, góp phần tích cực hình thành đường lối đổi mới đất nước với những đột phá dũng cảm, trở thành những mốc son trong quá trình phát triển.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm, tặng quà chúc Tết Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Tam Bình.

2. Cùng cả nước đổi mới, hội nhập

Với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, không khoan nhượng sự trì trệ, bảo thủ, với truyền thống của thành phố trẻ, luôn chọn cái mới, được đường lối đổi mới của Đảng soi đường, Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng vượt qua cơn khủng hoảng kéo dài từ giai đoạn trước, tiến bước vững chắc vào sự nghiệp đổi mới toàn diện, mạnh mẽ trong bối cảnh mới. Nhất là từ khi vị trí, vai trò trách nhiệm của thành phố được Trung ương xác định rõ ràng. Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 14/9/1982 đã khẳng định : “Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta. Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ III (tháng 11/1983), Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ rõ : Đảng bộ, chính quyền và đồng bào thành phố, hơn ai hết, cần nhận rõ vị trí, vai trò của thành phố, nhận rõ trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của mình … Vì cả nước, cùng cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) ngày 18/11/2002 nhấn mạnh : Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước” … Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, trách nhiệm của thành phố, trong hơn một phần ba thế kỷ qua, nhất là từ Đổi mới đến nay, thành phố đã “vì cả nước, cùng cả nước”, đồng tâm hiệp lực, năng động, sáng tạo, giành nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành phố luôn giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nguồn ngân sách và giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân. Thành phố luôn giữ mức tăng trưởng gấp 1,5 lần mức bình quân cả nước, năm vừa rồi đạt mức 1,7 lần. Năm đầu đổi mới GDP thành phố chiếm 13% GDP cả nước, đến nay đã nâng lên trên 20%. Vốn đầu tư phát triển năm 1976 chiếm 5,03% tổng vốn đầu tư cả nước, nay cũng đã vượt lên trên 20%. Công nghiệp trên địa bàn thành phố chiếm gần 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp cả nước; về thương mại – dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chiếm 25,1%; kim ngạch xuất khẩu – 36,7% cả nước. Nhờ nỗ lực trên mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, với trách nhiệm “vì cả nước” thành phố đã đóng góp ngân sách cho cả nước luôn ở vị trí số 1, chiếm tỉ trọng trên 30%. Mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, năm 1985 đạt 586 USD/ người/ năm, nay ngót nghét 3000 USD. Cùng với phát triển kinh tế, thành phố luôn chăm lo vấn đề an sinh xã hội, là một địa phương có nhiều đột phá trong các chính sách xã hội. Thành phố là địa phương đi đầu trong công tác phổ cập giáo dục, đến nay đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học, làm nền tảng để thực hiện giải pháp đột phá về đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố là nơi khởi xướng và thực hiện đầu tiên phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, “chương trình xóa đói giảm nghèo”, “bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “nụ cười cho trẻ thơ”, “phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng” v.v… thấm đẫm tính nhân văn cao cả, có sức lan tỏa mạnh, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn … Một thành tựu nổi bật của thành phố trong 36 năm qua, nhất là trong 25 năm đổi mới là phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại. Trên cơ sở qui hoạch đô thị và quy hoạch vùng đô thị, thành phố đã tập trung nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành các trục xuyên tâm, trục bắc – nam, đường vành đai, các đại lộ nổi bật như đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đông – Tây, Xuyên Á …; các khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây – Bắc đã và đang được xây dựng, tạo nên dáng vẻ hiện đại của siêu đô thị sau hơn một thập niên nữa …

3. Phấn đấu trở thành thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại

Thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm về nhiều mặt của khu vực và cả nước, phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, phát triển đô thị, khoa học công nghệ, giáo dục văn hóa, phát triển xã hội, quốc phòng an ninh. Tất cả các lĩnh vực phải đạt chất lượng cao. Tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn (cơ khí – chế tạo; điện tử – viễn thông – tin học; công nghiệp hóa chất và dược phẩm; chế biến lương thực, thực phẩm có giá trị gia tăng cao); 9 nhóm ngành dịch vụ có tính đột phá (tài chính – ngân hàng – bảo hiểm; thượng mại – xuất khẩu; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; bưu chính – viễn thông – công nghệ thông tin; kinh doanh tài sản – bất động sản; dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ; y tế; giáo dục – đào tạo; du lịch). Cơ cấu kinh tế vào năm 2020 sẽ là : dịch vụ – 60,5%; công nghiệp, xây dựng – 39,1% và nông nghiệp – 0,4%. GDP năm 2020 chiếm khoảng 1/3 cả nước và GDP bình quân đầu người khoảng 7000 USD. Vấn đề chỉnh trang, phát triển đô thị, trong đó ưu tiên giải quyết đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, trước hết là hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vành đai; triển khai xây dựng các tuyến metro, đường trên cao, đường cao tốc liên vùng. Kết hợp giải quyết vấn đề môi trường, từ khai thác hợp lý các nguồn nước, hệ thống cấp nước, nước thải, rác thải. Cải thiện đáng kể diện tích nhà ở cho mọi tầng lớp, bình quân đầu người từ 16 – 18m2, thay thế 100% các chung cư hư hỏng nặng, thực hiện chương trình nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên, nhà ở nông thôn ngoại thành …

TPHCM luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ.

Đồng thời kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa hài hòa với tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Nói tóm lại, sau năm 2020, thành phố phải đạt được mục tiêu của Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) nêu ra : Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh hiện đại; một trong những thành phố phát triển nhanh và năng động của khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương. Đó là một thành phố có kinh tế phát triển cao dựa trên nền tảng dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao, nơi hội tụ của giới kinh doanh, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, một trung tâm công nghiệp, tài chính và thương mại của Đông Nam Á. Thành phố sẽ là một siêu đô thị đa trung tâm, với điểm nhấn là khu đô thị Thủ Thiêm và đô thị mới dọc sông Sài Gòn; hình thành chuỗi đô thị, nối kết với các đô thị khác trong vùng, một thành phố xanh và sạch, một đô thị sông nước, với qui mô dân số 10 triệu người. Đó cũng là một trung tâm khoa học – công nghệ lớn, trung tâm về giáo dục – đào tạo chất lượng cao và y tế kỹ thuật cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, hoàn thiện các dịch vụ văn hóa, đưa văn hóa thực sự là nền tảng của sự phát triển thành phố.

Nhìn tổng quát, Thành phố Hồ Chí Minh sau 2020 là một trung tâm đa chức năng, một đô thị sống tốt, có sức hấp dẫn trong hệ thống các đô thị trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu đó, thành phố còn phải vượt qua bao thử thách gian nan, đòi hỏi phải biết trân trọng và phát huy những thành tựu đã đạt được 36 năm qua, đồng thời phải nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém, bất cập, những khuyết điểm kéo dài … để tập trung sức giải quyết rốt ráo với những hướng đột phá mạnh. Trước tiên là những vấn đề có vài trò nền tảng của sự phát triển nhanh và bền vững, trực tiếp cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Tích cực khắc phục tình trạng chậm trễ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, yếu kém về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự chậm trễ, chấp vá, không đồng bộ, quá tải của phát triển kết cấu hạ tầng, sự yếu kém, bất cập trong quản lý đô thị, quản lý phát triển xã hội, môi trường, sự xuống cấp chất lượng giáo dục – đào tạo, chậm trễ trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng tầm cán bộ, sự xuống cấp trong sinh hoạt văn hóa, tha hóa về đạo đức, lối sống, những bức xúc của xã hội chậm được khắc phục v.v…

Đại lộ Đông Tây – tuyến đường giúp thúc đẩy thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ hơn nữa

Sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh từ trước đến nay luôn gắn liền máu thịt với lịch sử và vận mệnh của đất nước, từ đóng góp công sức, trí tuệ và tâm huyết của cả nước. Trong bước đường sắp tới, thành phố lại được cả nước giúp sức, vun bồi để nhanh chóng đạt được đỉnh cao – Thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, một trung tâm nhiều mặt của đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập, dân chủ, văn minh, thịnh vượng.

PGS.TS Phan Xuân Biên




(Theo www.lethanhhai.net)

Leave a Reply