Ngày 7-4, TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện hiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và trao giải thưởng vì sự tiến bộ của phụ nữ TP lần thứ VI. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) TPHCM cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể TP.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, vai trò, địa vị của phụ nữ TPHCM đã được cải thiện rõ nét qua kết quả thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong 5 mục tiêu và 28 chỉ tiêu tại kế hoạch hành động VSTBPN.
Giải quyết việc làm cho 1,2 triệu lượt lao động nữ
Thực hiện chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động VSTBPN TP, 10 năm qua, TPHCM đã cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ TP để tập trung chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các đơn vị, các tổ chức và cá nhân trong việc trao quyền cho phụ nữ và giảm khoảng cách giới.
Từ năm 2001 đến nay, TP đã giải quyết việc làm cho gần 1,2 triệu lượt lao động nữ, giảm tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ xuống còn 5%; TP đã huy động hơn 2.100 tỷ đồng cho Quỹ xóa đói giảm nghèo để trợ vốn cho hơn 1 triệu lượt hộ phụ nữ nghèo vay vốn làm ăn vươn lên thoát nghèo, nhờ đó đến cuối năm 2009 toàn TP có hơn 19.300 hộ đã vượt chuẩn nghèo mới.
TP còn thực hiện xóa mù cho phụ nữ dưới 40 tuổi; đào tạo hơn 1.000 cán bộ nữ có trình độ trên đại học; đảm bảo cho 98% trẻ em gái trong độ tuổi đến trường; chăm sóc chu đáo sức khỏe cho phụ nữ; nâng tuổi thọ trung bình của phụ nữ TP lên 78,3 tuổi.
Từ năm 2001 đến nay, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, ĐBQH và HĐND TP tăng hơn trước; TP đã kết nạp được 23.341 nữ đảng viên mới, nhiều phụ nữ còn tham gia vào các ban lãnh đạo; hơn 30% trong tổng số 156.800 doanh nghiệp trên địa bàn TP hiện có phụ nữ làm giám đốc…
Đáng nói, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP trong những năm qua đã tập trung đẩy mạnh nhiều nội dung hoạt động phong phú, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, thực hiện hiệu quả và hoàn thành trước thời gian các chỉ tiêu, công trình đề ra. Trong đó, xây dựng được nhiều mô hình và phong trào thiết thực như: “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Nữ doanh nhân đảm đang – thành đạt”, “Nữ tu tự rèn luyện”, “Người kinh doanh mới”, chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, phong trào “Người con hiếu thảo”, các mô hình câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Tiền hôn nhân”, “Nữ chủ nhà trọ”, câu lạc bộ “Nữ công nhân lao động nhập cư”, … Chính những kết quả trên đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia VSTBPN Việt Nam. Đa số chỉ tiêu liên quan đến phụ nữ của TP đưa ra đều cao hơn so với chỉ tiêu của cả nước.
Tích cực phát huy vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực
“Để tạo cơ hội bình đẳng thực chất cho phụ nữ, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng và mỗi cá nhân cần tạo cơ hội và những điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội và được hưởng các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của họ trên mọi lĩnh vực” – đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà chỉ rõ những nhiệm vụ cần làm trong thời gian tới, đó là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác VSTBPN và bình đẳng giới, đặc biệt tại các quận, huyện ngoại thành. Lồng ghép có hiệu quả các mục tiêu VSTBPN và bình đẳng giới vào các chương trình kinh tế – xã hội của địa phương, phát huy vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tăng cường chú trọng công tác quy hoạch bồi dưỡng cán bộ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng từ 30% trở lên; tỷ lệ nữ tham gia trong Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016) đạt từ 33% trở lên, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 cấp TP và cấp xã – thị trấn đạt 30% trở lên. Phấn đấu tăng tỷ lệ lãnh đạo cấp phòng, ban là nữ lên trên 25%…
“Thực tế trong thời gian qua, nhiều lao động nữ nghèo phải làm việc quá sức, có thu nhập thấp, tỷ lệ được đào tạo nghề dài hạn vẫn còn hạn chế. Không ít phụ nữ và trẻ em còn là nạn nhân của bạo lực. Do đó, cần hành động để giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và việc làm, đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe” – Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà nói.
Theo đó, từ 2011-2015, Ban VSTBPN TPHCM đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 53% lao động nữ trong tổng số người được tạo việc làm mới; giảm tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ ở khu vực thành thị xuống còn 4,5%; tăng tỷ lệ lao động nữ trong số người được đào tạo nghề lên trên 50%; phấn đấu tăng tỷ lệ nữ lên 40% tổng số người được đào tạo trên đại học. Đặc biệt, đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Dịp này, hội nghị đã trao bằng khen của Bộ LĐTB-XH cho 3 tập thể và 4 cá nhân và bằng khen của UBND TPHCM cho 41 tập thể và 51 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động VSTBPN TP. Ban VSTBPN TP cũng đã trao giải thưởng VSTBPN TP lần thứ 6 cho 5 tập thể và 7 cá nhân xuất sắc.
(Theo www.lethanhhai.net)