Chính sách của Mỹ với khu vực châu Á

0 nhận xét

Ngày 5/11 vừa qua, Tổng thống Obama bắt đầu chuyến công du 10 ngày tới châu Á. Bước chân lên chiếc chuyên cơ Airforce One vẻ mặt ông lộ rõ sự thất vọng và tâm trạng nặng nề bởi ngay trong đợt bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ ngày 2/11, Đảng Dân Chủ của ông đã thất thế và để vuột mất sự kiểm soát Hạ viện vào tay Đảng Cộng Hòa.

Điểm dừng chân đầu tiên trong lộ trình của Tổng thống Obama là Ấn Độ- Quốc gia đông dân thứ 2 trên Thế giới, song lại được đánh giá là đất nước có nhiều tiềm năng và vị thế trên trường Quốc tế. Tháp tùng ông là 200 lãnh đạo cao cấp của các Tập đoàn và Công ty Hoa kỳ. Rõ ràng là Mỹ muốn tìm kiếm một lợi ích thực tại Ấn Độ. Thông qua hợp tác chiến lược với nước này, một mặt tạo công ăn việc làm cho người dân, mặt khác Mỹ muốn tạo sự cân bằng với Trung Quốc. Tại Newdelhi, ông Obama đã tuyên bố là sẽ ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên thường trực HĐBA Liên hiệp quốc trong thời gian tới đây nếu việc này được đem ra xem xét.

Ghé thăm Inđônêxia, đất nước có 200 triệu tín đồ Hồi giáo, ngoài việc hợp tác kinh tế, bởi nước này cũng đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, thông qua các cuộc thăm viếng nơi mình đã sống cùng Mẹ và người Cha Dượng suốt 4 năm thời thơ ấu, ông Obama cũng muốn gửi thông điệp thân thiện và hòa bình tới các Quốc gia đạo Hồi. Ngay sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ bay sang Hàn Quốc dự Hội nghị thượng định G20 và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Nhật Bản nhân tổ chức này vừa tròn 20 năm tuổi. Cả 2 sự kiện nói trên dù chẳng liên quan gì tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, song nhất định là sẽ có ảnh hưởng tới vị thế của ông Obama.

Việc điều chỉnh chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đang tạo ra những thách thức to lớn đối với nước này. Từ bấy lâu nay Hoa Kỳ có 4 khu vực phải tập trung về mặt đối ngoại là: Bắc Mỹ- Mỹ latinh; Mỹ -châu Âu (còn gọi là quan hệ xuyên Đại Tây Dương) Trung đông -Phi Châu và châu Á Thái Bình Dương. Ngay sau cuộc khủng hoảng kinh tế tàn phá các trung tâm quyền lực Thế giới, nước Mỹ đã nhận ra rằng rất cần phải có chính sách thương mại tập trung vào châu Á, bởi hiện nay tương quan lực lượng ở khu vực kinh tế- địa chính trị sôi động này đang thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho Mỹ và nếu không xoay chuyển kịp thời e rằng Trung Quốc là quốc gia sẽ chi phối toàn bộ châu Á chứ không phải là theo những quan niệm đã xưa cũ. Chính vì vậy chính quyền Obama quan niệm tập trung vào khu vực này là nâng tầm giá trị và bảo vệ quyền lợi lâu dài cho nước Mỹ.

Vậy là mục đích kinh tế chính là một trong 4 mục tiêu công du châu Á lần này của Tổng thống Hoa Kỳ. Tại 2 diễn đàn G20 và APEC, chính quyền của ông Obama sẽ nỗ lực tìm kiếm sáng kiến thúc đẩy các mối quan hệ thông qua việc Mỹ sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương vào năm sau. Trong dịp này, có thể sẽ có một vài vấn đề kinh tế quan trọng được giải quyết sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được các thỏa thuận về nông nghiệp, năng lượng xanh và Sở hữu trí tuệ. Nhiều tỷ đô la đã được xác nhận qua việc Trung Quốc nhập khẩu động cơ cánh quạt tạo năng lượng gió từ Hoa Kỳ, đồng thời khả năng Mỹ có công nhận hay không việc Trung Quốc có nền kinh tế thị trường vào thời điểm trước năm 2016. Ngoài ra, rất có thể là trong chuyến công cán lần này ông Obama sẽ cố gắng nâng tầm quan hệ với ASEAN bằng việc xây dựng khu vực thương mại tự do AFTA. Trong đó không loại trừ tăng cường quan hệ với 4 nước khu vực sông Mê Kông là CPC-Thái Lan- Lào và Việt Nam.

Có thể nói, hành trình 10 ngày tại Á châu của Tổng thống Obama đã chứng tỏ quyết tâm của Washington tập trung vào khu vực đang được xem là năng động nhất Thế giới này. Tạm quên đi những lo âu của cuộc bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ, liệu rằng chính sách của chính phủ Hoa Kỳ có thành công hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố- trong đó có vai trò của Tổng thống đương nhiệm. Dư luận cho rằng đó chính là liều thuốc thử đối với Obama và Chính quyền của ông.

Việt Anh


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply