Giữ hồn đô thị Sài Gòn – TPHCM

0 nhận xét

TPHCM là một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế văn hóa, chính trị quan trọng của cả nước. Người ta thường nói Sài Gòn – TPHCM là một thành phố trẻ, năng động mới qua tuổi 300. Song thực tế lịch sử của TP không dừng ở con số đó, bởi biết bao giá trị di sản văn hóa đã được kết tinh và thăng hoa từ hàng ngàn năm trước với những tầng văn hóa còn ẩn chứa và hiện diện trên mảnh đất Sài Gòn – TPHCM. Làm thế nào để việc phát triển đô thị mà không mâu thuẫn với việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa là vấn đề đặt ra tại cuộc gặp gỡ giữa các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học.

Lúng túng bảo tồn và phát triển đô thị

Hơn lúc nào hết, Sài Gòn – TPHCM cần được biết đến với một bề dày văn hóa trên 3.000 năm từ thời đại đồ đá, đồ đồng, với nền văn hóa Óc Eo rực rỡ cho đến những thành quả trong tiến trình khai hoang lập ấp của cư dân Việt trên vùng đất phương Nam.

Tòa nhà cổ 292 Hải Thượng Lãn Ông cần được tôn tạo và bảo tồn. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Kế thừa và tiếp nối, lịch sử Sài Gòn-TPHCM đã cho thấy nơi đây là một điểm hội tụ các dòng chảy văn hóa đa dạng, phong phú. Do vậy, những di sản của thành phố cũng được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau, có thể ở đâu đó dưới tầng đất đang bê tông hóa là cả một di chỉ khảo cổ học phong phú, di tích kiến trúc, di tích tôn giáo hoặc nghệ thuật, hoặc là một địa chỉ đã từng in dấu chân của các nhà cách mạng Việt Nam… Hết thảy đã tạo nên một Sài Gòn – TPHCM với bản sắc riêng biệt.

Hơn 3 thập kỷ qua, ngành khảo cổ TPHCM – một nhân tố không thể thiếu trong công tác bảo tồn di sản – đã có nhiều đóng góp quan trọng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có trên 10 di tích khảo cổ học tiền sử- sơ sử được khai quật (phần lớn tập trung ở huyện Cần Giờ và hầu hết là do phát hiện tình cờ) là con số còn quá ít ỏi.

GS. Lê Xuân Diệm đặt vấn đề ngành khảo cổ cần có quy hoạch tổng thể, phải tổ chức điều tra cơ bản toàn TP, có như thế mới gắn khảo cổ với quy hoạch đô thị. Nhiều nhà khảo cổ cũng bày tỏ sự lo ngại về hai di chỉ khảo cổ rất quan trọng của TPHCM là Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ) và lò gốm Hưng Lợi (quận 8) đến nay vẫn chưa có kế hoạch bảo quản và có nguy cơ biến mất.

Trong quá trình đô thị hóa, ở nước ta đã xảy ra không ít những cuộc tranh luận quanh việc bảo tồn và phát triển. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (Hội Kiến trúc sư TPHCM) chia sẻ: “Các nhà quản lý và kinh tế mắng mấy ông văn hóa, nghiên cứu, kiến trúc nhìn đâu cũng thấy di sản cần bảo tồn, còn đâu chỗ để xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế. Trong khi đó ở hội thảo, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa cũng phê phán mấy ông quản lý kinh tế cứ chuộng đập đi xây mới”.

Theo ông, đi tìm cái hồn cho đô thị là biết gắn kết đô thị giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. “Người ta đang nói nhiều đến việc xây dựng bản sắc cho các đô thị Việt Nam nhưng có một nghịch lý là những gì đã từng đem lại bản sắc cho Hà Nội, Huế, Sài Gòn ngày xưa còn tồn tại đến nay, thì đang dần bị phá hỏng”, ông Thái nói.

Duy trì bản sắc đô thị trong cơn lốc đô thị hóa

KTS Nguyễn Hữu Thái cho rằng: “Mỗi TP dù hiện đại cách mấy cũng phải giữ cho được bản sắc của mình, và hồn đô thị chính là quá khứ được lưu giữ một cách có chọn lọc. Lãnh đạo TPHCM cần giữ lại cái lõi của Sài Gòn, đó là khu trung tâm lịch sử của TP”.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP, TS Nguyễn Thị Hậu, nêu một vấn đề khác khiến không ít người giật mình: từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời và thực thi, tại TPHCM chưa có một công trình xây dựng nào trong khu vực đô thị cổ Sài Gòn- Chợ Lớn mà ngành khảo cổ học được thực hiện quyền và trách nhiệm của mình trong việc khai quật khảo sát trước khi xây dựng.

“Trong cơn lốc hiện đại hóa đô thị, còn biết bao công trình sẽ xây dựng, biết bao di tích, di vật sẽ biến mất, không còn cơ hội cất lên tiếng nói của lịch sử với thế hệ mai sau”, bà Hậu bức xúc.

MINH AN


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply