Khởi nghĩa Nam Kỳ thể hiện tinh thần quật khởi của dân tộc, vì nước, vì dân

0 nhận xét

(Diễn văn của đồng chí LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 – 23-11-2010)

Hôm nay, với tấm lòng tri ân sâu sắc và niềm tự hào to lớn, Đảng bộ và nhân dân TPHCM long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, một sự kiện lịch sử hào hùng, oanh liệt của nhân dân và Đảng bộ Nam Kỳ trong công cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta, của Đảng ta.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải

Thay mặt Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, tôi xin gửi đến đồng chí Nguyễn Minh Triết; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng; quý Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí  lãnh đạo các tỉnh, thành; thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; các đồng chí thương binh, quý vị đại biểu; đồng bào, đồng chí lời thăm hỏi sức khỏe ân cần, lời chào mừng nồng nhiệt và những tình cảm chân thành, tốt đẹp nhất.

Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cao trào cách mạng của nhân dân ta nối tiếp nhau bùng lên, thúc đẩy công cuộc chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, cứu nước. Trong sự nghiệp đấu tranh vẻ vang đó, hơn bảy mươi năm trước đây, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, ảnh hưởng sâu sắc đến các nước Đông Dương.

Thực hiện chính sách thời chiến, thực dân Pháp điên cuồng đánh phá Đảng Cộng sản; ra sức vơ vét của cải, bòn rút nhân lực phục vụ chiến tranh; một số quyền tự do dân chủ giành được trong thời kỳ 1936 – 1939 bị thủ tiêu. Phát-xít Nhật nhảy vào xâm chiếm, thực dân Pháp đầu hàng thỏa hiệp, đất nước ta lâm vào cảnh một cổ đôi tròng, nhân dân ta chịu nhiều tầng áp bức, vô cùng khổ nhục. Chiến tranh đã thúc đẩy các mâu thuẫn vốn có của xã hội thuộc địa, nửa phong kiến lên đến đỉnh tột cùng; ý chí đánh đuổi kẻ thù, cứu nước càng thêm sục sôi trong nhân dân ta, đẩy tới cao trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định là trung tâm đô thị lớn phía Nam đã hứng chịu hậu quả nặng nề bởi biến động của chiến tranh thế giới và chính sách cai trị của thực dân Pháp, ngọn lửa đấu tranh đã bùng lên, ngày càng lan rộng.

Từ thực tiễn hoạt động và phong trào cách mạng tại thành phố, Trung ương Đảng ta đã ra thông báo nhận định: “Hiện nay tình hình đã thay đổi nhiều. Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng…”. Và tại đây, quê hương Bà Điểm – Gia Định 18 thôn Vườn Trầu, Trung ương Đảng ta họp Hội nghị lần thứ 6 vào tháng 11 năm 1939, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, cùng các đồng chí Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn ra nghị quyết lịch sử, khẳng định: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng dân tộc’’ và chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương.

Đảng ta đã nhạy bén, sáng tạo đề ra phương hướng chiến lược tập trung mũi nhọn vào đế quốc và tay sai, nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chuẩn bị điều kiện giành chính quyền và nêu cao trách nhiệm tiền phong của mình trước vận mệnh dân tộc: “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: Lãnh đạo các dân tộc bị áp bức Đông Dương vũ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”; đã hình thành nên sự chỉ đạo chuyển hướng chiến lược cách mạng của nước ta.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 được Xứ ủy Nam Kỳ, các cấp ủy từ Liên tỉnh ủy, đến Thành ủy, Tỉnh ủy hồ hởi, tin tưởng đón nhận như một cẩm nang mở đường giải phóng quê hương, tiến lên giành lấy độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đồng chí lãnh đạo dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa

Vào cuối tháng 7 năm 1940, thay đồng chí Võ Văn Tần, Trung ương Ủy viên kiêm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đã bị thực dân Pháp bắt, đồng chí Tạ Uyên triệu tập khoáng đại Hội nghị toàn xứ nhằm nghiên cứu quán triệt sâu sắc nghị quyết và bàn bạc tổ chức thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. Ý kiến của số đông cho rằng, nếu Xứ ủy không kịp tổ chức thực hiện, tiến hành khởi nghĩa thì “quần chúng sẽ manh động”; nhưng cũng có ý kiến nhận định có mâu thuẫn sâu sắc giữa quần chúng với kẻ địch thống trị, nhưng “điều kiện khởi nghĩa chưa đủ”. Hội nghị quyết định cử đồng chí Phan Đăng Lưu đi ra miền Trung, miền Bắc để tranh thủ hợp đồng khởi nghĩa trong cả nước. Lúc này, trên thực tế ủy viên Trung ương Đảng chỉ còn đồng chí Phan Đăng Lưu, còn các đồng chí từ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các ủy viên Trung ương khác đều lần lượt bị địch bắt.

Triển khai Nghị quyết Trung ương 6, cùng cả nước, Xứ ủy Nam Kỳ tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa, Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định được chọn làm trọng điểm, là nơi phát lệnh khởi nghĩa cho các địa phương ở Nam kỳ. Một khí thế rầm rộ diễn ra tại thành phố và khắp các tỉnh, chuẩn bị cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, quân sự, binh vận, hậu cần,… thu hút đông đảo nhân dân tham gia, dấy lên khí thế cách mạng sục sôi trong quần chúng đồng lòng, chung sức, cương quyết sống chết đánh đổ đế quốc và chống phát-xít xâm lược, tiến lên giải phóng Tổ quốc.

Kẻ thù ra sức đàn áp, bắt bớ, giam cầm, tra tấn cực kỳ dã man; kể cả dùng máy bay ném bom tàn sát chiến sĩ, đồng bào ta; nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cốt cán của phong trào, của Đảng bị bắn giết, tù đày, càng khơi dậy lòng căm thù quân xâm lược, nâng cao tinh thần bất khuất, quyết tâm nổi dậy, khởi nghĩa giành chính quyền, với ý chí ngút trời: “… nếu các dân tộc Đông Dương chúng ta không kiên quyết hy sinh tranh đấu được giải phóng thì rồi đây không một người nào tránh khỏi sự giam cầm,… còn non nước nào mà dân chúng không chiến đấu !”.

Đêm 22, rạng sáng ngày 23-11-1940, dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ Nam Kỳ, cuộc khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại nhiều địa phương với tinh thần quyết liệt, khí thế tiến công mạnh mẽ. Khắp các tỉnh thành Nam Kỳ – Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên, Bến Tre, Sa Đéc, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa, Vũng Tàu, tất cả 20 tỉnh và thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn đều có kế hoạch khởi nghĩa, trong đó có 56/75 quận, 50% số làng. Một số nơi giành được quyền làm chủ, làm cho địch thiệt hại, đánh đổ nghiêm trọng uy thế kiềm kẹp của địch. Lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng phất phới dẫn đầu các đoàn quân khởi nghĩa và tung bay trên nóc các trụ sở chính quyền thực dân được quân ta tiến chiếm, trở thành trụ sở Ban khởi nghĩa, cổ vũ khí thế tiến công liều chết với quân thù.

Các em thiếu nhi dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa. Ảnh: VIỆT DŨNG

Như chúng ta đã biết, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ không thành công! Kẻ thù sau đó càng thẳng tay đàn áp dã tâm; hàng ngàn đồng bào, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đã bị địch bắt, tra tấn, tù đày, giết chóc vô cùng tàn bạo với bao tổn thất. Tại các trường bắn do Pháp lập ra, cạnh rạp hát của quận lỵ Hóc Môn, cạnh giếng nước bệnh viện Hóc Môn và tại Ngã Ba Giồng lịch sử này, nhiều đồng chí, đồng bào, chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù, trong đó các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập; đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến; đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Xứ ủy viên kiêm Bí thư Thành ủy đã bị địch giết hại.

Chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn của các đồng chí, đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh oanh liệt trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ với niềm tin mãnh liệt cho Tổ quốc ta ngàn đời sẽ nở hoa độc lập, kết quả tự do, mãi mãi thống nhất, trường tồn.

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ do chưa đủ điều kiện khách quan, chủ quan chín muồi nên tạm thời đã bị thất bại và kẻ thù dìm trong biển máu nhưng đã để lại những trang sử hào hùng, chói lọi trong lịch sử cách mạng của Đảng và nhân dân ta; đã nêu tấm gương đấu tranh cực kỳ anh dũng; ý chí quật cường, tinh thần cách mạng tiến công, để lại cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau truyền thống bất khuất, kiên cường của lòng yêu nước quả cảm vô song như lời kêu gọi của Đảng: “Hãy noi gương chiến đấu vĩ đại của các chiến sĩ Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Sơn, Nam kỳ mở mặt cho giống nòi, đánh đuổi đế quốc ra ngoài bờ cõi. Dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Đông Dương hãy xếp thành hàng ngũ tiến lên làm cách mạng giải phóng dân tộc”.

Ngày 14-4-1948, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho “đội quân Khởi nghĩa Nam bộ năm 1940, đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương được ý chí quật cường của dân tộc”.

Cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và cuộc nổi dậy của binh lính Đô Lương, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940 trở thành điểm son trong lịch sử dân tộc và cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương”. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ để lại nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho Đảng ta, có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần, trong từng địa phương, mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn, mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tập hợp các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất, tham gia khởi nghĩa trên quy mô rộng lớn khắp Nam Kỳ, tạo nên phong trào cách mạng sâu rộng. Qua cuộc đấu tranh, đảng viên và nhân dân được thử thách, tôi luyện và trưởng thành.

Khởi nghĩa Nam Kỳ thể hiện mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân vô cùng sâu sắc. Khi Đảng ra lời kêu gọi, hạ lệnh khởi nghĩa, nhân dân yêu nước xông lên trận mạc, biểu thị sức mạnh to lớn, quyết chí chiến đấu, dù phải đổ máu hy sinh. Ngay cả khi cuộc khởi nghĩa bị dìm trong máu lửa, nhân dân vẫn luôn gắn bó với Đảng, một lòng bảo vệ Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng chờ lệnh phát động một cuộc khởi nghĩa sắp đến. Điều đó chứng tỏ rằng, chỉ có Đảng Cộng sản với đường lối cách mạng đúng đắn, thể hiện sự trung thành nhất với quyền lợi của toàn dân tộc mới lãnh đạo được nhân dân theo Đảng làm cách mạng.

Tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ là tinh thần quật khởi của dân tộc, tinh thần “vì nước, vì dân”, tinh thần cách mạng tiến công không ngừng, quyết đi tới mục tiêu cuối cùng để mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là sự kế tục và phát huy truyền thống yêu nước, khí phách hào hùng, lịch sử vẻ vang của dân tộc ta trong thời đại mới, chiến đấu dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xương máu của đồng bào, chiến sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ là những tảng đá hoa cương làm nền cho nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng Tháng Tám. Tinh thần cảm tử cho dân tộc quyết sinh của đồng bào, chiến sĩ Khởi nghĩa Nam Kỳ đã góp phần hun đúc nên lòng dũng cảm, chí kiên cường cho Đảng ta, cho nhân dân ta trong cuộc trường kỳ kháng chiến 30 năm, để đánh bại hết giặc Pháp đến giặc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.

Khởi nghĩa Nam kỳ để lại những bài học vô cùng sâu sắc, quý báu trong các giai đoạn cách mạng, cho đến chúng ta hôm nay và mãi mãi mai sau. Đảng ta có đường lối chính trị đúng đắn; cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành, thống nhất một ý chí và hành động, dũng cảm, tiên phong gương mẫu, tin dân, dựa vào dân, tổ chức nhân dân thực hiện đường lối, nhất định sẽ tạo ra phong trào cách mạng. Sự chuẩn bị điều kiện đầy đủ về mọi mặt, nhất là lực lượng cách mạng kết hợp với tình thế cách mạng đạt tới độ chín muồi để tạo thời cơ và biết chớp lấy thời cơ, phát động quần chúng nổi dậy mới bảo đảm cho cách mạng thành công.

Bảy mươi năm đã đi qua, nhưng tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn luôn hiển hiện và sống mãi cùng thời gian. Dân tộc ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Đất nước thoát khỏi lầm than, nô lệ, chia cắt; đã thống nhất, độc lập, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Nhân dân ta đang ra sức thực hiện giai đoạn cách mạng mới – đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là sự kế tục xứng đáng tinh thần quật khởi, oanh liệt, khí phách anh hùng cách mạng của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bất diệt.

Thiết thực kỷ niệm 70 năm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng bộ và nhân dân thành phố cùng Đảng bộ và nhân dân các tỉnh, thành Nam bộ kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang, ra sức phấn đấu, vượt qua mọi thách thức, trở lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng giàu đẹp, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, cùng nhau ra sức xây dựng quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa, góp phần cùng cả nước xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cán bộ, đảng viên, công chức cùng nhân dân tiếp tục tích cực học tập, nỗ lực làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu, nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tập trung xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, kiên quyết làm thất bại âm mưu, hành động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Trên vùng đất địa linh nhân kiệt lịch sử thiêng liêng này – Hóc Môn – 18 Thôn Vườn Trầu, chúng ta xin nguyện đồng tâm hiệp lực, tiếp tục xứng đáng hơn nữa với quê hương Khởi nghĩa Nam Kỳ, với Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc”, nghiêm túc thực hiện lời chỉ dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân và góp phần vào sự nghiệp ổn định, hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới




(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply