Ngày 10-5, Ủy ban MTTQ VN TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Vì người nghèo” (2001-2010). Đến dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP; Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy; Trần Hoàng Thám, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng hoa tri ân các cá nhân, đơn vị cùng chung tay vì người nghèo TPHCM.
Có thể khẳng định, Cuộc vận động “Vì người nghèo” trong thời gian qua ở TPHCM ngày càng được hưởng ứng và đồng thuận của toàn xã hội, mang ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc. Cuộc vận động đã khơi gợi truyền thống tương thân tương trợ, nhường cơm xẻ áo khắp cộng đồng dân cư, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, cuộc sống dân nghèo được chăm lo và ngày càng ổn định.
Hơn 740 tỷ đồng chăm lo người nghèo
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo TP, cuối năm 2000, TPHCM còn 100.000 hộ gia đình nghèo và 20 phường xã nghèo trọng điểm thuộc các quận 9, huyện Bình Chánh, Cần Giờ và Nhà Bè cần đặc biệt chăm lo. Đến cuối năm 2010, TP đã giúp 46.144 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo giai đoạn 3 (có mức thu nhập trên 12 triệu đồng/người/năm). Hiện, tổng số hộ nghèo còn lại chiếm 5,68% tổng số dân của TP.
Để có được điều đó, là do sự chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của lãnh đạo TP khi quyết định ban hành Công văn số 38-CV/TU ngày 9-4-2001, phát động Cuộc vận động “Vì người nghèo” trên toàn địa bàn TP lần đầu tiên. Từ đó đến nay, Quỹ Vì người nghèo TP đã vận động được trên 740 tỷ đồng, xây mới 2.980 nhà tình nghĩa, 20.099 nhà tình thương, sửa chữa chống dột 9.057 căn, hỗ trợ 305.820 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ cho các cấp học, hỗ trợ 7.494 phương tiện đi học cho con các hộ nghèo để tránh nguy cơ bỏ học giữa chừng.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà tặng hoa, kỷ niệm chương cho các đơn vị thực hiện tốt Cuộc vận động “Vì người nghèo” thời gian qua.
Đặc biệt, với phương thức hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo để cho dân nghèo mượn tiền trả dần không lấy lãi, đã giúp nhiều người nghèo, hộ nghèo vượt qua khó khăn như hộ chị Trương Thị Mai phường 7, quận 8 với hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân chị chỉ nấu ăn cho cơ sở thú nhồi bông ở Tân Bình nhưng với ý chí vượt khó vươn lên, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và nhờ nguồn vốn vay từ quỹ Vì người nghèo đến nay gia đình chị đã ổn định cuộc sống và hiện nay là chủ một cơ sở sản xuất. Khi ổn định rồi, chị còn giúp đỡ và giải quyết hơn 35 lao động nhỏ tại địa phương có công ăn việc làm.
Hay như anh Nguyễn Văn Sanh, phường 3, quận 11 cũng là hộ nghèo nhưng với ý thức tự lực và quyết tâm vượt khó gia đình anh đã thoát nghèo và còn giúp lại cho người nghèo trong tổ dân phố. Hay em Nguyễn Thị Bích Liên, phường Long Phước, quận 9; em Lưu Mỹ Phụng phường 14, quận 11; em Đoàn Thị Hồng Gấm, phường Tân Thới nhất, quận 12; em Võ Tiến Phát, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức… là những sinh viên đã vượt khó thoát nghèo.
Bên cạnh huy động các nguồn lực chăm lo cho người nghèo, UBND TP cũng đã đầu tư tại 20 phường, xã trọng điểm của TP với hơn 322 công trình với tổng kinh phí hơn 309 tỉ đồng để làm đường giao thông nông thôn, xây cầu bê tông thay cầu khỉ, sửa chữa và xây mới trạm y tế, trường học, chợ, nhà văn hóa… Nhờ vậy chất lượng cuộc sống của dân nghèo ở các vùng sâu vùng xa đã từng bước được nâng cao.
Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho dân nghèo
Khẳng định thành công của chặng đường 10 năm qua, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Cuộc vận động “Vì người nghèo” là một điểm sáng trong hoạt động của Ủy ban MTTQ VN TPHCM. Cuộc vận động đã thực sự đi vào lòng người dân TP, phát huy được truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc, thu hút được toàn xã hội chung tay chăm lo. Các hộ nghèo ngày càng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, qua đó đã tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân, làm cho khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố, phát triển vững chắc nhất là ở cộng đồng dân cư.
Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thị Thu Hà yêu cầu, trong thời gian tới, MTTQ và Ban Vận động Vì người nghèo các cấp tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ người nghèo, nhất là diện chính sách, người về hưu, hộ nghèo, người neo đơn, CNVC-LĐ, sinh viên và lực lượng vũ trang, những đối tượng bị tác động, ảnh hưởng do lạm phát gặp khó khăn. Các đơn vị phải nắm chắc diễn biến đời sống, hoàn cảnh của những hộ này để kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền huy động các nguồn lực xã hội chăm lo một cách căn cơ, bền vững, đặc biệt chú ý những trường hợp cận nghèo vừa qua khỏi chuẩn 12 triệu đồng/người/năm.
Với những trường hợp này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ về tinh thần, vật chất để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống như miễn, giảm một phần học phí cho con em khi đến trường, chi phí khi đi khám, chữa bệnh… Về lâu dài, có thể tạo điều kiện để đối tượng cận nghèo tham gia vào một số chương trình, dự án phát triển kinh tế tại địa phương để họ có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Các cấp ủy Đảng phải xem cuộc vận động vì người nghèo là một nội dung trọng tâm trong chương trình công tác của mình để chỉ đạo việc triển khai thực hiện, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết Đảng bộ TP lần IX, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo tăng hộ khá mà TP đã đề ra.
“Đối với những hộ nghèo của TP tôi đề nghị để công tác giảm nghèo đạt kết quả cao, bên cạnh việc hỗ trợ của chính quyền các cấp, các ngành, cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo phải nỗ lực vươn lên bằng ý chí và nghị lực của chính mình để ổn định cuộc sống” – đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà nhắn nhủ.
Nơi khởi nguồn của nhiều cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Trần Hoàng Thám cho rằng: TPHCM là nơi khởi nguồn của nhiều chương trình, nhiều cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn, trong đó có cuộc vận động vì người nghèo. Từ đó, mô hình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn TP đã chính thức được nhân rộng ra cả nước. Cuộc vận động đã xuất hiện nhiều tấm lòng hảo tâm, nhiều tấm gương vượt khó, điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu hưởng ứng tích cực cuộc vận động.
Cùng với hàng ngàn, hàng vạn việc làm thầm lặng, nghĩa tình trong cộng đồng dân cư đã không ngừng xuất hiện và tô thắm cho truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.
Thiên Linh