Lê Thanh Hải

Ðồng chí Lê Thanh Hải tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật “Mùa xuân với đồng bào Hà Giang

Ðồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Trung tướng Võ Trọng Việt, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt NamĐọc thêm...

Lê Thanh Hải

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải: TP.HCM và Phnom Penh thúc đẩy hợp tác toàn diện

Chiều 23/4, tại các buổi tiếp ông Kep Chuk Tema, Bí thư kiêm Đô trưởng Kinh đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia), lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Phnom PenhĐọc thêm..

Lê Thanh Hải

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải: Giải pháp bảo đảm an sinh xã hội

Ban Dân vận Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện Chương trình hành động số 06 của Thành ủy TPHCM về các giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội trên địa bànĐọc thêm...

Lê Thanh Hải

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải tiếp Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã tiếp ông Lý Kỷ Hằng, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nhân dịp ông đến thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa hai địa phương Đọc thêm...

Nguyễn Tấn Dũng

Tiểu sử TT Nguyễn Tấn Dũng

Để tránh những luồng thông tin trái chiều và sai sự thật, Blog Thông tin về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra một số thông tin về tiểu sử của thủ tướng VN NGUYỄN TẤN DŨNG Đọc thêm...

Người dân Thủ Thiêm về nhà mới

0 nhận xét

Thêm 620 căn hộ phục vụ tái định cư cho người dân nằm trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2 - TPHCM) được bàn giao

Chiều 9-1, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã tham dự buổi lễ khánh thành và bàn giao 620 căn hộ tái định cư của lô J  thuộc khu 17,3 ha (phường An Phú-Bình Khánh, quận 2) phục vụ tái định cư cho người dân khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án do Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc làm chủ đầu tư theo phương thức xã hội hóa, không dùng vốn ngân sách. Trước đó, vào tháng 6-2011, 512 căn hộ đầu tiên (lô N) trên tổng số 1.844 căn hộ của dự án này cũng đã được chủ đầu tư bàn giao cho người dân.
Hài lòng nơi ở mới
Một trong những hộ dân “mở khóa” căn hộ đầu tiên ở lô J là hộ bà Đoàn Thị Út, năm nay gần 80 tuổi. Cháu gái bà là chị Nguyễn Thị Khánh Linh cho biết bà ngoại chị cùng gia đình dọn về đây mới được 4 ngày.
Căn hộ số 407 của bà Út có diện tích 66 m2, gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ và các công trình phụ khác.


Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao chìa khóa căn hộ tái định cư tại khu chung cư An Phú - Bình Khánh cho các hộ dân. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo chị Linh, thiết kế khá tiện nghi và diện tích của căn hộ làm gia đình chị hài lòng vì căn nhà cũ bị giải tỏa ở phường Bình Khánh chỉ có 27m2. Ngoài ra, gần sát khu chung cư này có trường học, chợ nên rất tiện lợi.
Theo thông báo của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2, trước mắt, gia đình bà Út đóng 308 triệu đồng để nhận căn hộ này.

Cũng trong ngày 9-1, chúng tôi quay trở lại lô N của khu 17,3 ha, nơi 512 căn hộ đã  có chủ sở hữu sau khi quận 2 tổ chức bốc thăm bàn giao cho các hộ tái định cư.
Anh Lê Anh Tài, ở căn hộ 816, cho biết anh dọn về đây từ cuối tháng 9-2011. Căn hộ này có diện tích 51 m2 gồm 1 phòng khách và 1 phòng ngủ.
“Ở đây rất an ninh, không gian thoáng mát và tiện nghi hơn căn nhà 30 m2 cũ của tôi. Tuy nhiên, nhà tôi gồm vợ chồng và 2 con nên không gian dành cho cá nhân vẫn chưa đủ, nếu rộng hơn chút nữa thì tốt biết mấy”- anh Tài nói.
Ngay khi nhận quyết định bàn giao căn hộ ở lô J từ UBND quận 2 vào chiều 9-1, bà Nguyễn Thị Yến  (ngụ khu phố 1, phường An Khánh) chia sẻ: “Gia đình tôi sống và gắn bó ở căn nhà hiện nay đã 4 thế hệ, để lại bao kỷ niệm. Tuy nhiên, vì sự phát  triển chung của TP, chúng tôi sẵn sàng di dời, bàn giao nhà đất để xây dựng khu đô thị mới”.
Theo bà Yến, quyết định dọn đến chỗ mới cũng là quyết định đúng đắn vì “an cư thì mới lạc nghiệp!”.
Bí thư Lê Thanh Hải cho rằng việc di dời chỗ ở của người dân Thủ Thiêm không đơn giản chỉ là bàn giao một mảnh đất, căn nhà cho Nhà nước mà đôi khi người dân còn phải hy sinh nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Vì vậy, Bí thư Lê Thanh Hải đề nghị các ngành, các cấp cũng như chính quyền quận 2 phải làm hết sức mình để phần nào bù đắp sự hy sinh của người dân.
Cũng tại buổi bàn giao, Bí thư Lê Thanh Hải lưu ý ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm phải cam kết thực hiện đúng quy hoạch khi xây dựng khu đô thị mới để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Nhìn lại những khu tái định cư cũ, ông Hải đề nghị ban quản lý Thủ thiêm phải rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo để đánh giá.
“Đi đôi với việc đáp ứng đủ quỹ  nhà tái định cư, các khu tái định cư phải có hạ tầng tốt, giao thông tốt, cơ sở vật chất tốt để bảo đảm tốt nhất nhu cầu sống của người dân bị giải tỏa”. Bí thư Lê Thanh Hải chỉ đạo.
Cuối năm 2013 phải hoàn tất
Nằm gần vị trí trung tâm, khu đô thị mới Thủ Thiêm, một trong ba dự án xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư theo chủ trương của TP, được đưa vào sử dụng đầu tiên là dự án 17,3 ha An Phú-Bình Khánh.
Đến nay, dự án 17,3 ha mới đưa vào sử dụng khoảng 1.130 căn hộ, 712 căn hộ còn lại đang thi công và sẽ tiếp tục hoàn tất trong năm 2012. Hai dự án còn lại đang thi công hoặc mới dừng ở việc thương thảo suất đầu tư là dự án 38,4 ha (6.220 căn) và dự án 30,2 ha (4.216) đều ở phường Bình Khánh.
Triển khai từ năm 2008, UBND TP đưa ra thời hạn hoàn tất xây dựng 12.500 căn hộ này là năm 2012. Tuy nhiên, vì tiến độ chậm trễ nên vào tháng 9-2011, UBND TP có thông báo cho gia hạn và yêu cầu UBND quận 2 cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan phải hoàn tất xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư vào cuối năm 2013.
QUÝ HIỀN

Continue reading →

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp khách

0 nhận xét
Chiều 9-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP) Tanigaki Sadakazu đang ở thăm Việt Nam. Khẳng định tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản còn rất lớn, Chủ tịch Tanigaki Sadakazu cho rằng 2 nước cần đề ra những chương trình, giải pháp hiệu quả hơn nữa trong thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa 2 nước trên các lĩnh vực, vì lợi ích và sự phát triển chung của cả 2 nước, 2 dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Chủ tịch Đảng LDP Tanigaki Sadakazu. Chủ tịch Tanigaki Sadakazu mong muốn hai nước tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện nhất cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh, quốc phòng.

Chiều 9-1, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp tân Đại sứ Hoa Kỳ David Bruce Shear đến chào ra mắt nhân dịp nhận công tác tại Việt Nam. Đại sứ David Bruce Shear cho biết, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại là ưu tiên cao nhất của ông trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Bên cạnh đó, giáo dục, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực… cũng là lĩnh vực mà ông quan tâm. Cùng ngày, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng đã tiếp ông David Bruce Shear.

Tối 9-1, tại buổi tiếp ông Amnon Efrat, Đại sứ Israel ở Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí cho biết, TP đang phấn đấu trở thành trung tâm giống cây con của khu vực bằng việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, với sự hỗ trợ của Israel.

TTX - X.ĐẶNG - Đ.C.P. - TR.PHAN
Continue reading →

Ngoại thành TPHCM đi lên từ chương trình xây dựng nông thôn mới

0 nhận xét
“Nông thôn mới” là chương trình mục tiêu quốc gia lớn và dài hơi của Chính phủ. Qua 03 năm thực hiện chương trình, nông thôn tại các xã ngoại thành của TPHCM đã có sự chuyển biến rõ nét, nguồn thu của người nông dân được cải thiện, diện mạo nông thôn mới đã hình thành và vững bước đi lên...



Nuôi bò sữa tại gia đình ở xã nông thôn mới Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ảnh: SGGP

Tổng kết 3 năm xây dựng chương trình nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi nói riêng và Tp.HCM nói chung, chúng tôi cảm nhận âm thanh cuộc sống và sắc màu tươi sáng từ những đổi thay nhanh chóng của diện mạo ngoại thành Tp HCM.

Tại huyện Củ Chi, với thế mạnh của mình, huyện đã phát triển hàng trăm trang trại chăn nuôi với hơn 30 ngàn con cá sấu, gần 60 ngàn con bò và hơn 130 ngàn con heo. Ngoài ra, huyện Củ Chi còn phát triển vùng chuyên canh rau an toàn ở xã Nhuận Đức và vùng chăn nuôi bò sữa ở xã Tân Thạnh Đông. Bí thư huyện ủy Củ Chi Nguyễn Văn Bu cho biết: Cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dần theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp với giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 2 ngàn tỷ đồng trong năm qua, một con số rất đáng khích lệ. Ông Nguyễn Văn Bu còn chia sẻ:

Nhờ vào mô hình nông thôn mới, đời sống của nông dân trong huyện ngày càng được cải thiện. Mỗi nhà đều đã sắm sửa được nhiều trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Ông Nguyễn Văn Khương, một nông dân chăn nuôi bò sữa của huyện Củ Chi nói: 

Để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân theo đúng tiêu chí của mô hình nông thôn mới, huyện Củ Chi đang gấp rút hoàn chỉnh các thủ tục cho các công trình xây dựng như công viên, Trung tâm văn hóa và Trung tâm thương mại, góp phần kéo khoảng cách gần hơn với thành phố.
Còn tại huyện Bình Chánh, mô hình nông thôn mới cũng đã góp phần thay da đổi thịt vùng ngoại thành phía tây nam này. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, ông Đoàn Nhật cho biết: trong năm 2011, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đã tăng hơn 36% so với cùng kỳ. Doanh số thương mại - dịch vụ của huyện Bình Chánh cũng đã tăng cao, thực hiện hơn 2.300 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với năm 2010.

Với mô hình nông thôn mới, huyện Bình Chánh đã từng bước chuyển đổi cây và con giống cũng như phương thức sản xuất của nhà nông. Qua đó, nhà nông đã biết cách phát triển phong trào nuôi cá kiểng, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nói về công tác xây dựng mô hình nông thôn mới tại huyện Bình Chánh, Phó Chủ tịch Đoàn Nhật cho biết:

Ông Đoàn Nhật còn cho biết thêm: xã Tân Nhựt là xã điểm của huyện thực hiện mô hình nông thôn mới, cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí về đảm bảo các yếu tố quy hoạch, điện, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa và an ninh trật tự xã hội…. Ngoài xã Tân Nhựt, huyện cũng đã hoàn chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới tại các xã Bình Lợi, Qui Đức, Đa Phước và xã Bình Chánh, tiến đến áp dụng cho toàn địa bàn huyện vào những năm tiếp theo. 

Nhờ áp dụng mô hình nông thôn mới, nhiều hộ dân đã được hỗ trợ trong việc chuyển đổi kinh tế và đã thành công. Nhất là mô hình khép kín vườn - ao - chuồng đang được nhân rộng. Ông Lê Thế Hùng, người thành công từ mô hình này phấn khởi chia sẻ:

Trong dịp tham quan mô hình nông thôn mới vào cuối năm, Bí thư Thành Ủy Lê Thanh Hải đã ghi nhận thành công từ mô hình này và chỉ đạo đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành các tiêu chí của nông thôn mới ở khu vực ngoại thành. Như vậy, không bao lâu nữa, đời sống của nông dân sẽ ngày càng được nâng cao, và khoảng cách nông thôn - thành thị sẽ được kéo lại thật gần.
Thanh Hùng
Continue reading →

Bàn giao 600 căn hộ tái định cư khu đô thị Thủ Thiêm

0 nhận xét
Ngày 9/1, Ủy ban Nhân dân quận 2, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Rạch Chiếc đã tổ chức khánh thành và bàn giao 620 căn hộ thuộc lô J, Dự án định cư Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.

Toàn bộ 620 căn hộ tại lô J với 2 tòa nhà cao 18 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 63.000m2. Mỗi căn hộ được thiết kế theo hai loại gồm 51m2 với một phòng ngủ, 66m2 với hai phòng ngủ.

Phát biểu tại lễ khánh thành và bàn giao căn hộ tái định cư cho người dân, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Thành phố rất quan tâm đến các công trình tái định cư cho người dân ngay từ khi mới quy hoạch; đồng thời lưu ý, việc bàn giao nhà chỉ là ý nghĩa bước đầu, các cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư, sau khi khánh thành cần phải lo cho người dân, nâng cao chất lượng sống của người dân như xây dựng trường học, đường giao thông, chợ búa...

Đây là số căn hộ nằm trong dự án 1.844 căn hộ tái định cư tại phường An Phú-Bình Khánh, quận 2 do Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Rạch Chiếc làm chủ đầu tư phục vụ cho các đối tượng người dân thuộc khu vực di dời giải tỏa của dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Nguyễn Thành Lập, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Nam Rạch Chiếc, cho biết công trình được thiết kế và thi công với chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sinh sống tốt nhất cho người dân được bố chí tái định cư.

Dự án xây dựng nhà tái định cư này được áp dụng theo phương thức xã hội hóa đầu tư, không sử dụng ngân sách nhà nước và cũng là dự án tái định cư đầu tiên có sự hợp tác giữa nhà nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngay sau buổi lễ khánh thành, nhiều hộ dân đã bắt đầu nhận nhà mới do Ủy ban Nhân dân quận 2 bố chí tái định cư. Công ty Dịch vụ Công ích quận 2 sẽ tiếp nhận và tổ chức quản lý tòa nhà./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)
Continue reading →

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải dự lễ tuyên dương 7 công dân trẻ tiêu biểu thành phố năm 2011

0 nhận xét

Ngày 1/1, tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tuyên dương 7 công dân trẻ tiêu biểu thành phố năm 2011.

le thanh hai cong dan tieu bieu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải dự lễ tuyên dương 7 công dân trẻ tiêu biểu thành phố năm 2011

Công dân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2011



Ghi nhận và biểu dương quá trình rèn luyện và cống hiến của các công dân trẻ tiêu biểu,  ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tôi thật sự cảm phục tấm gương vượt khó vươn lên, khát vọng sống có ích cho đất nước, cho mọi người của các công dân trẻ tiêu biểu. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tính chất điển hình, tiêu biểu của các công dân trẻ. Chính cuộc sống, quá trình phấn đấu, nỗ lực vươn lên của các bạn, chính công việc và thái độ cống hiến của các bạn là niềm cảm hứng to lớn cho các bạn trẻ, những người cũng đang ngày đêm miệt mài học tập, làm việc và cống hiến. Đó là quá trình xây dựng, hun đúc những phẩm chất đạo đức, nhân cách cao đẹp của người thanh niên, mà tôi nghĩ rằng bất cứ bạn trẻ nào cũng làm được.”

Lễ tuyên dương là dịp nhằm tôn vinh các điển hình đoàn viên thanh niên thành phố, là những bạn trẻ sống có lý tưởng, có khát vọng và hoài bão cao đẹp, dám dấn thân hành động, dám cống hiến vì cộng đồng, vì Tổ quốc; góp phần xây dựng và phát triển thành phố và là niềm tự hào của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác.

Đây là những điển hình thanh niên tiêu biểu nhất trong số hơn 20.000 điển hình thanh niên tiên tiến, Cháu ngoan Bác Hồ đã được phát hiện và tuyên dương tại cơ sở.

Mục đích của cuộc vận động là phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình đoàn viên, thanh thiếu nhi sống có lý tưởng, xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu nhất, góp phần giáo dục, định hướng lối sống đẹp cho thanh thiếu nhi thành phố, trong nỗ lực tăng cường cổ vũ, định hướng lý tưởng cách mạng và lối sống đẹp trong giới trẻ./.

Hải Âu (TTXVN/Vietnam+)


(Theo website Lê Thanh Hải)
Continue reading →

Đồng chí Lê Thanh Hải dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2011

0 nhận xét

Ngày 23-12, Công an TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết tình hình, công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng lực lượng năm 2011 và triển khai công tác năm 2012. Đến dự hội nghị có đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Một trong những công tác trọng tâm của Công an TP trong thời gian tới là tập trung tấn công các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm gây án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, sử dụng vũ khí nóng, tội phạm là người nước ngoài, nâng cao hiệu quả đấu tranh tội phạm lợi dụng công nghệ cao.

24 12 2011LTHai Đồng chí Lê Thanh Hải dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2011

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các đơn vị.

Theo báo cáo của Công an TP, trong năm 2011 lực lượng công an TP đã tăng cường kiểm tra xử lý các vụ vi phạm về kinh tế; tiếp nhận, điều tra làm rõ 44 vụ cố ý làm trái, tham ô, phát hiện làm giả các loại giấy tờ, lập hồ sơ và sử dụng hóa đơn khống để quyết toán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Đặc biệt, phát hiện 1.130 vụ vi phạm kinh tế, qua điều tra, xử lý đã thu nộp ngân sách Nhà nước trên 22 tỷ đồng.

Công an TP đã tăng cường trấn áp tội phạm ngay tại cơ sở, phát huy các giải pháp nhằm kéo giảm tội phạm, nhờ đó so với năm 2010: án giết người giảm 59,09%, cướp xe ôm giảm 55,55%, cố ý gây thương tích giảm 21,75%… Nổi bật nhất là đã điều tra khám phá 3.730 vụ phạm pháp hình sự, bắt 4.878 tên, tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, lực lượng Công an TP vẫn tích cực tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn; phòng ngừa, ngăn chặn đua xe trái phép và tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng…

Chỉ tiêu Công an TP đặt ra trong năm 2012 là phấn đấu kéo giảm tội phạm hình sự từ 3-5% so với năm 2011, nâng tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt từ 72-75% trở lên, phá án đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%, đẩy mạnh các giải pháp kéo giảm 10% tai nạn giao thông trên cả ba mặt, giảm 20% số vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút…

Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: TPHCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế và có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh ở phía Nam đất nước. Vì vậy, Công an TPHCM có trách nhiệm đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững của TP.

Thượng tướng Trần Đại Quang đề nghị Công an TPHCM chú trọng các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động, kịp thời đề xuất các chủ trương, phương án, biện pháp đảm bảo an ninh – trật tự ở TP; đặc biệt chú trọng các biện pháp bảo vệ an ninh kinh tế, nhất là an ninh tài chính, ngân hàng, tiền tệ, ngăn chặn kịp thời hoạt động phá hoại kinh tế.

Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” gắn với các phong trào thi đua yêu nước khác của TP. Chú trọng nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là đội ngũ điều tra viên, cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông.

Dịp này, Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TPHCM; Thiếu tướng Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TPHCM; Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba của Chủ tịch nước; Đại tá Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TPHCM đón nhận Huy chương Vì An ninh Tổ quốc của Chủ tịch nước.

Tại hội nghị, Công an TP cũng đã tổ chức trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 7 tập thể thuộc Công an TP; UBND TP cũng đã tặng cờ thi đua cho 8 tập thể.

Thiên Linh


(Theo website Lê Thanh Hải)
Continue reading →

Toàn văn báo cáo giải trình trước Quốc hội của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

0 nhận xét

Sáng nay, 25/11, tại Hội trường Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Sau đây Ban biên tập xin gửi đến bạn đọc Toàn văn báo cáo giải trình trước Quốc hội của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

231 Toàn văn báo cáo giải trình trước Quốc hội của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thưa đồng bào đồng chí,

Trước hết, thay mặt Chính phủ, tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình với các Báo cáo của Chính phủ và đã thông qua các Nghị quyết về kinh tế, xã hội năm 2012 và 5 năm 2011 – 2015.

Tại Kỳ họp này, đã có 77 đại biểu Quốc hội gửi 145 phiếu chất vấn với 237 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ; trong đó, có 8 phiếu với 11 câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Chính phủ đánh giá cao các vị đại biểu Quốc hội đã chất vấn về những vấn đề thiết thực trong quản lý điều hành của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản đến các vị đại biểu Quốc hội. Hai ngày qua đã có 5 Bộ trưởng trực tiếp và 2 Phó Thủ tướng cùng 6 Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn tại Hội trường. Các ý kiến giải trình, trả lời chất vấn của các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng là trách nhiệm và cầu thị. Thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo, giải trình thêm về một số nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào cả nước quan tâm, chất vấn. Đây cũng là những công việc mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.

I. VỀ CẬP NHẬT TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI

Đầu Kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế, xã hội 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm. Trong tháng 10 và 11 tình hình kinh tế, xã hội có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng giá tiêu dùng tiếp tục giảm, tháng 10 là 0,36%, tháng 11 là 0,39%. Thu ngân sách đạt khá, đến ngày 15/11 đạt khoảng 98,5% kế hoạch; xuất khẩu 11 tháng tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp 3 lần chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua1; nhập siêu 11 tháng giảm còn 10,2% kim ngạch xuất khẩu; lãi suất có xu hướng giảm. Cán cân thanh toán có bước được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng so với năm 2010. Sản xuất tiếp tục phát triển. Các lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ 11 tháng tăng 23,5% so với cùng kỳ. Văn hoá, xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy đã giảm dần trong 6 tháng qua nhưng tính chung cả năm vẫn rất cao; lãi suất chưa giảm nhiều, thanh khoản của ngân hàng và của cả nền kinh tế còn khó khăn, nợ xấu có dấu hiệu tăng lên; nhu cầu ngoại tệ và sức ép về tỷ giá vào cuối năm là khá lớn. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán trầm lắng. Việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát có kết quả, nhưng hệ quả là các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng2… nếu không tháo gỡ kịp thời, sản xuất sẽ trì trệ, tăng trưởng suy giảm, tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều công trình đầu tư dở dang nếu không được xử lý phù hợp sẽ gây lãng phí. Sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm lại3, sản xuất nông nghiệp bị tác động nặng của thiên tai, lũ lụt. Việc làm và đời sống của người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân mất việc đang là vấn đề bức xúc.

Tình hình kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo nhiều dự báo, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ nghiêm trọng hơn, có thể đẩy kinh tế khu vực này vào nguy cơ suy thoái, làm cho kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, sản xuất và nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm, giá dầu và giá lương thực có khả năng tăng mạnh. Các nhân tố đó sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.

Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải phát huy lợi thế và những kết quả đã đạt được, kiên định các giải pháp đã và đang phát huy hiệu quả, đồng thời theo sát tình hình, kịp thời xử lý những khó khăn, thách thức mới nảy sinh, điều hành linh hoạt, sát thực tế; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2011 và chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2012.

II. VỀ ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

Các vị đại biểu Quốc hội và cử tri đang rất quan tâm đến các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Tôi xin trình bày thêm như sau:

Với những giải pháp điều hành quyết liệt, tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng giảm liên tục trong 6 tháng qua, tính chung 11 tháng tăng 17,5%. Với xu thế này, mục tiêu kiềm chế tăng giá tiêu dùng năm 2011 khoảng 18% là có khả năng thực hiện được. Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị đủ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là về lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp cuối năm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ tăng giá; tăng cường thông tin, tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng tăng giá do tâm lý.

Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế theo các chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Giảm dần lãi suất theo mức giảm của lạm phát và chủ động điều hành thực hiện lạm phát mục tiêu. Điều hành linh hoạt tỷ giá theo tín hiệu thị trường để khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập khẩu và bảo đảm giá trị của đồng tiền Việt Nam. Có giải pháp thích hợp để hỗ trợ phục hồi lành mạnh thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Quản lý chặt chẽ việc xuất nhập khẩu và thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới; bảo đảm quyền sở hữu vàng của người dân; không để vàng trở thành phương tiện thanh toán phổ biến; có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ mục tiêu phát triển.

Về tài khóa, năm 2012 tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phấn đấu giảm mức bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% và giảm dần trong những năm tiếp theo, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn. Tăng cường quản lý thu ngân sách, thực hiện quyết liệt các biện pháp chống thất thu, nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai, chống gian lận thuế và chuyển giá, trốn thuế trong các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đi đôi với tiết kiệm chi; nghiên cứu giảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và tăng sức đầu tư của khu vực dân doanh, hỗ trợ tái cơ cấu đầu tư. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các khoản chi ngân sách nhà nước; thực hiện nghiêm các quy định về mua sắm tài sản công.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, góp phần tăng dự trữ ngoại hối. Tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu; phát triển sản xuất thay thế có hiệu quả hàng nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được phù hợp với các cam kết quốc tế. Thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ODA và FDI. Tăng cường quản lý các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Thu hút khách du lịch quốc tế và nguồn kiều hối.

Đối với giá điện, xăng dầu, than và các hàng hoá, dịch vụ quan trọng khác, đề nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường; đồng thời, có hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách. Chính phủ sẽ xác định lộ trình hợp lý để thực hiện, vừa từng bước tiếp cận giá thị trường, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh và giá thành sản phẩm để Quốc hội và cử tri giám sát. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sản xuất kinh doanh các mặt hàng này phải được cơ cấu lại bảo đảm hoạt động có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ và vai trò Nhà nước giao.

III. THÁO GỠ KHÓ KHĂN, HỖ TRỢ SẢN XUẤT KINH DOANH

Cần có các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng cũng là vấn đề cả nước quan tâm và nhiều vị đại biểu Quốc hội nêu ý kiến. Tôi xin báo cáo thêm như sau:

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm, có trên 48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 21,8% so cùng kỳ năm 2010. Việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh gắn với nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

- Phải tập trung sức kiềm chế lạm phát, đưa lạm phát năm 2012 về 1 con số để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí đầu vào; ưu tiên tín dụng phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, bảo đảm điện, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu.

- Đồng thời, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia4; phát hành trái phiếu doanh nghiệp5; cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa6, cơ chế tín dụng đầu tư hỗ trợ xuất khẩu7 và các chính sách khác.

- Theo thẩm quyền, Chính phủ sẽ xem xét kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách hiện hành về hỗ trợ thuế8 và đề nghị Quốc hội xem xét việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp ở mức phù hợp.

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp để mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác có hiệu quả các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do để tăng nhanh xuất khẩu; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

- Khẩn trương hỗ trợ khắc phục khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất vụ Đông Xuân. Triển khai có hiệu quả các chương trình về giống, chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

- Rà soát các dự án bất động sản, có chính sách phù hợp, nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho các dự án sắp hoàn thành trong các lĩnh vực: Xây dựng nhà xưởng sản xuất, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, ký túc xá sinh viên và các dự án đầu tư cho giáo dục, y tế.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển, đa dạng các hình thức đầu tư, đẩy mạnh hợp tác công – tư, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong các hoạt động của doanh nghiệp.

IV. VỀ CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ

Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế tập trung vào 3 nội dung, nhưng nhiều ý kiến còn băn khoăn về phương thức và lộ trình tổ chức thực hiện. Tôi xin báo cáo giải trình thêm như sau:

1. Về cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công

Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát phải cắt giảm gắn liền với nâng cao hiệu quả đầu tư công, dành thêm nguồn từ ngân sách để đầu tư cho các lĩnh vực xã hội; đồng thời phải có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Chính phủ đang tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, gây thất thoát, lãng phí. Rà soát lại quy hoạch và các quy định về phân cấp đầu tư, bảo đảm mỗi dự án khởi công mới đều phải được cấp có thẩm quyền thẩm định và kiểm soát chặt chẽ về quy hoạch, tính cấp thiết, mục tiêu, quy mô, nguồn vốn trước khi quyết định đầu tư, bảo đảm hiệu quả đầu tư và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đối với các dự án chuyển tiếp, phải rà soát để bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên; các dự án không tiếp tục cân đối được nguồn vốn phải chuyển sang thực hiện đầu tư dưới hình thức khác hoặc đình hoãn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, đánh giá hiệu quả đầu tư; xử lý nghiêm những việc làm sai trái. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương, thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Chính phủ sẽ khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng thông qua các hình thức BT, BOT, BTO, PPP, tạo bước đột phá trong phát triển một số công trình hạ tầng có quy mô lớn.

Việc huy động và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi phải được xem xét, cân đối một cách tổng thể, gắn kết với các nguồn vốn phát triển khác. Tập trung cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, bảo đảm điện, bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục; đồng thời sắp xếp dự án theo thứ tự ưu tiên để bố trí vốn đối ứng một cách phù hợp.

Điều chỉnh chính sách để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, phát triển kết cấu hạ tầng; ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường. Không khuyến khích các dự án đầu tư sử dụng lao động có chi phí nhân công thấp, tiêu tốn năng lượng, khai thác không gắn với chế biến.

Cơ cấu lại đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm của cả nước, của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, vừa là yêu cầu cấp bách, vừa phải được thực hiện cụ thể, liên tục trong suốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính phủ sẽ khẩn trương chuẩn bị dự án Luật Đầu tư công và sửa đổi Luật Ngân sách để trình Quốc hội.

2. Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu cấp thiết, là một trong 3 nội dung quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện những công việc cụ thể như sau:

- Xác định rõ chức năng của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tổng kết đánh giá mô hình quản lý, hiệu quả hoạt động, xác định rõ phạm vi, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và phê duyệt phương án tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Căn cứ phương án tổng thể, xem xét phê duyệt đề án cơ cấu lại từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngay trong năm 2011.

- Đẩy mạnh cổ phần hóa, thực hiện đa sở hữu các doanh nghiệp nhà nước, kể cả tập đoàn và tổng công ty; chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết nhằm thực hiện vai trò của doanh nghiệp nhà nước đồng thời với việc kiện toàn về tổ chức và quản trị để nâng cao hiệu quả hoạt động.

- Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ tập trung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính; thực hiện xong việc thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính trước năm 2015.

- Xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả kéo dài bằng các hình thức thích hợp như cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể, bán, phá sản doanh nghiệp.

- Khẩn trương nghiên cứu để đổi mới cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước và cơ chế đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại tập đoàn và tổng công ty. Xây dựng tiêu chí quản trị và lựa chọn bố trí đúng cán bộ để lãnh đạo quản lý hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty.

- Thực hiện công khai minh bạch hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; kiểm soát có hiệu quả độc quyền tự nhiên.

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là một quá trình không dễ dàng, Chính phủ sẽ quyết tâm hành động, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để thực hiện thành công nhiệm vụ này, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

3. Về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại

Cơ cấu lại để có hệ thống ngân hàng thương mại được quản trị tốt, hoạt động hiệu quả, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường với đại bộ phận là doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ sản xuất kinh doanh; từng bước nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh; không còn ngân hàng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

- Tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng quản lý và hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, xây dựng phương án tổng thể cơ cấu lại toàn bộ hệ thống với mục tiêu, mô hình và cơ chế chính sách phù hợp.

- Hoàn thiện và đưa vào thực hiện các tiêu chuẩn quản trị mới, các quy định về an toàn và phòng tránh rủi ro theo hướng tiếp cận nhanh thông lệ quốc tế; tăng cường vai trò giám sát của ngân hàng nhà nước trong việc thực hiện các tiêu chuẩn này.

- Có cơ chế, chính sách để những ngân hàng thương mại có đủ điều kiện phát triển nhanh và cạnh tranh có hiệu quả trong nước và quốc tế; đồng thời, khuyến khích các ngân hàng mở rộng địa bàn hoạt động phục vụ nông nghiệp và nông thôn.

- Thực hiện cổ phần hoá các ngân hàng thương mại nhà nước, nâng cao tiềm lực tài chính, khả năng quản trị, chất lượng các dịch vụ, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động để ngân hàng thương mại nhà nước thực sự làm nòng cốt trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại cả nước.

- Bổ sung hoàn thiện thể chế để các ngân hàng thương mại cổ phần nâng cao chất lượng quản trị, hoạt động minh bạch, thực sự là ngân hàng đại chúng; quy định mức vốn tối thiểu và lộ trình thực hiện phù hợp với quy mô và địa bàn hoạt động. Ban hành quy định cụ thể về mua bán, sáp nhập và khuyến khích việc tự nguyện hợp nhất để có thêm những ngân hàng lành mạnh về tài chính, đa dạng về sản phẩm dịch vụ và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Có phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ thống, không làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm.

- Sơ kết, đánh giá để kiện toàn, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng ở nông thôn. Việc lập mới các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, kể cả lập mới các hợp tác xã tín dụng ở địa bàn nông thôn phải được thẩm định chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

- Cùng với cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, tiến hành cơ cấu lại và phát triển mạnh các thị trường tài chính khác như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo những tiêu chuẩn quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Thực hiện công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các định chế tài chính này.

Do tính tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, cả ba nội dung tái cấu trúc trên phải được thực hiện đồng bộ, với các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng đắn, hiệu quả đi đôi với việc tiến hành đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược. Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại kỳ họp tới của Quốc hội.

V. VỀ NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN

Một số đại biểu Quốc hội có ý kiến là nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm đúng mức; chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai còn chậm, khó khăn trong việc huy động nguồn lực, một số tiêu chí chưa phù hợp. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trực tiếp giải trình. Tôi xin nhấn mạnh thêm như sau:

1. Nông nghiệp, nông thôn luôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã đề ra yêu cầu phải tăng mạnh đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước.

Trong 5 năm 2004 – 2008, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn 181 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ. Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, vốn đầu tư từ 2 nguồn trên cho nông nghiệp nông thôn tiếp tục tăng, trong 4 năm 2009 – 2012 đã bố trí trên 380 nghìn tỷ đồng, bằng 49,3% tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và trái  phiếu chính phủ, gấp 2,1 lần so với 5 năm trước. Hàng năm Nhà nước còn chi thêm 7 đến 8 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, chủ yếu hỗ trợ các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, còn nhiều khoản hỗ trợ khác thông qua các chính sách miễn giảm thuế, phí, bù lãi suất tín dụng ưu đãi…

Vốn tín dụng dành cho nông nghiệp nông thôn cũng ngày càng tăng, dư nợ ước tính đến cuối năm 2011 đạt gần 595 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần so với cuối năm 2006. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và vốn đầu tư từ dân cư cho phát triển nông nghiệp nông thôn…

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thấy việc bố trí vốn và thu hút vốn đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vai trò quan trọng của nông nghiệp nông thôn như một số đại biểu đã phát biểu. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ sẽ trình Quốc hội Kế hoạch đầu tư phát triển 3 năm 2013 – 2015, nếu kế hoạch này được thông qua thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (2009 – 2013) tổng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ bố trí cho nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 500 ngàn tỷ đồng, gấp 2,76 lần so với 5 năm 2004 – 2008, vượt mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7 đề ra.

Chính phủ đang tập trung chỉ đạo rà soát quy hoạch phát triển các lĩnh vực nông lâm thuỷ sản; quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư. Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi và khuyến khích việc cho vay đối với nông nghiệp nông thôn; thu hút mạnh đầu tư của các thành phần kinh tế vào khu vực này; ưu tiên đầu tư vào chọn tạo giống mới, áp dụng các quy trình canh tác, nuôi trồng tiên tiến, phát triển công nghiệp chế biến, hệ thống kho bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Hoàn thiện cơ chế liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu với cơ sở chế biến và doanh nghiệp phân phối để hình thành chuỗi cung ngay trên thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, phòng chống thiên tai, phát triển công nghiệp, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển văn hoá xã hội ở nông thôn.

2. Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội với 11 nội dung10, cần được thực hiện kiên trì, đồng bộ trong thời gian dài, theo quy hoạch mà cộng đồng dân cư trên mỗi địa bàn là chủ thể, với sự tham gia của toàn xã hội.

Sau hơn 1 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được kết quả bước đầu, tuy nhiên việc triển khai còn chậm. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, có hướng dẫn phù hợp và bố trí vốn để xây dựng quy hoạch, đề án. Khẩn trương sửa đổi một số tiêu chí cho phù hợp với từng vùng. Phân bổ vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ theo kế hoạch; lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn. Tiếp tục có chính sách để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp nông thôn. Đẩy mạnh Chương trình đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã, đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

VI. VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI BỨC XÚC

Cử tri và đại biểu Quốc hội rất quan tâm và có ý kiến về các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm nghèo, lao động – việc làm. Tôi xin trình bày thêm như sau:

1. Tai nạn và ùn tắc giao thông là vấn đề nghiêm trọng, bức xúc. Chính phủ đã có báo cáo chuyên đề trình Quốc hội, trong đó đã nêu rõ thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp đồng bộ để khắc phục cả trước mắt và lâu dài. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giải trình cụ thể trước Quốc hội.

Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội có Nghị quyết về vấn đề này nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đề cao trách nhiệm và kỷ luật kỷ cương, huy động mọi nguồn lực để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phấn đấu giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông.

2. Tạo việc làm cho người lao động và giảm nghèo bền vững luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều chính sách, giải pháp cụ thể đã được thực hiện và mang lại kết quả tích cực.

Năm 2011, cả nước tạo được khoảng 1,6 triệu việc làm, đạt kế hoạch đề ra. Trong năm 2012, việc thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 6 – 6,5%) là điều kiện quyết định để tạo thêm 1,6 triệu việc làm mới. Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách đào tạo nghề, phát triển công nghiệp, dịch vụ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm mạnh tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong công nghiệp và dịch vụ, nâng cao thu nhập.

Về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010. Năm 2011, trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát, cắt giảm chi tiêu công nhưng Nhà nước vẫn ưu tiên nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo11; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, đạt mục tiêu đề ra.

Tiếp tục đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, tập trung nguồn lực để hỗ trợ đào tạo nghề, tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng; hỗ trợ học phí và tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là số người nghèo chưa có bảo hiểm y tế. Thực hiện việc phân loại hộ nghèo để có phương thức hỗ trợ phù hợp. Riêng đối với những người nghèo do lười lao động thì việc hỗ trợ phải kèm theo sự giám sát và giáo dục của cộng đồng.

Thưa Quốc hội,

Trên đây tôi đã báo cáo giải trình thêm một số vấn đề mà Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm.

Nhiệm vụ sắp tới là rất nặng nề. Tiếp thu những ý kiến thiết thực của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai và nỗ lực thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Chính phủ xin trân trọng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát và trên cương vị công tác của mình, mỗi vị đại biểu Quốc hội có những đóng góp thiết thực cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Quốc hội đã đề ra.

Xin cảm ơn Quốc hội;

Sau đây, tôi xin trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu./.

Theo nguyentandung


(Theo website Lê Thanh Hải)
Continue reading →