Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam

0 nhận xét

Hình ảnh chiếc máy bay của không lực Hoa Kỳ đang phun chất độc da cam xuống những cánh rừng bạt ngàn; những em bé dị dạng, không vẹn nguyên hình hài; bàn tay co quắp, đôi mắt lồi vô hồn một nỗi đau… Tất cả đã được tái hiện tại cầu truyền hình “Chất độc da cam/dioxin – Tội ác và công lý” được tổ chức ở điểm cầu TPHCM và huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum – nơi hứng chịu chất độc da cam đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 10-8-1961. Khán giả, qua truyền hình đã được sống cùng nỗi đau của hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thắp lên ngọn lửa hy vọng của chặng đường tìm công lý cho các nạn nhân Việt Nam.

le thanh hai

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam tại chương trình cầu truyền hình.

Những câu hỏi không lời đáp

Mỗi ngày cuối tuần, đôi chân nặng trĩu của ông Mai Giảng Vũ lại rảo bước tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Điểm đến của ông là 3 ngôi mộ nhỏ – con của ông. Họ đều bỏ ông ra đi khi vừa 20, 21 tuổi bởi cùng một nguyên nhân: Nhiễm chất độc da cam. Nỗi đau của một người cha phải tiễn những người con của mình ra đi khi còn son trẻ không thể kể xiết. Nhưng với ông Vũ, nỗi đau ấy không chỉ có vậy…

50 năm trước, trung sĩ không quân Việt Nam Cộng hòa Mai Giảng Vũ được phân công lái máy bay phun thuốc diệt cỏ tại khu vực Tây Ninh và Bình Phước. Ông không thể ngờ, chính trong cơ thể của mình, chất độc ấy cũng đang bắt đầu hủy hoại.

Sau năm 1975, lần lượt những đứa con ông ra đời đều khỏe mạnh. Nhưng chỉ được 2, 3 năm, chúng lần lượt bị teo cơ và phát triển không bình thường. Đến tuổi 20, 21, lần lượt 3 đứa con ra đi, để lại cho ông sự trống vắng và đau xót. Nước mắt cạn khô theo năm tháng và ông Vũ tham gia một cuộc chiến mới – tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ông tới Paris, nói chuyện về những nạn nhân, tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế. Nhiều người ủng hộ ông, bởi hơn ai hết, tiếng nói của ông, vừa là nạn nhân, vừa là người trực tiếp gây nên những nỗi đau chiến tranh ấy.

Chắc hẳn, khán giả qua truyền hình không thể quên được ánh mắt khát khao được sống bình thường, được có những đứa con khỏe mạnh của anh Trần Quang Thái; những giọt nước mắt của chị Phạm Thị Loan (vợ anh Thái) khi nói những mong ước dung dị về một ngôi nhà và những đứa trẻ. Anh Thái là thế hệ thứ hai trong gia đình có 3 thế hệ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ở tỉnh Kon Tum. Chị gái và em gái anh là Hường và Thúy cũng bị ảnh hưởng và cô con gái bé nhỏ của chị Hường cũng không bình thường như bao đứa trẻ khác.

Mẹ anh Thái, bà Thanh Thống, xúc động: “Với người bình thường, sinh được một đứa con là niềm vui, có một đứa cháu niềm vui nhân đôi. Còn với vợ chồng tôi, mỗi khi có một đứa con ra đời là thêm một nỗi lo, khi cháu sinh ra lại là nỗi đau vô cùng tận”. Hai người con lành lặn khác của bà Thống lại sống trong sự lạnh nhạt của người đời. Họ không hề muốn có con dâu hay con rể sinh ra từ gia đình có đến 3 thế hệ bị nhiễm chất độc da cam…

Chung lòng trong cuộc chiến giành công lý

Ngay từ khi mới chào đời, chị Trần Thị Hoan (quê tỉnh Bình Thuận) đã mang hình hài khiếm khuyết – không có 2 chân và bàn tay trái – do mẹ bị nhiễm chất độc da cam. Có lúc chị đã muốn buông xuôi, không đến trường bởi sự mặc cảm khi biết được giữa mình và bạn bè đồng trang lứa có nhiều khác biệt.

Các đại biểu tham dự cầu truyền hình thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam

Các đại biểu tham dự cầu truyền hình thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam. Ảnh:

Qua thời gian, được lớn lên trong sự yêu thương ở Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ TPHCM), chị đã lấy lại lòng tự tin, vươn lên bằng nghị lực để trở thành sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học TPHCM và đi làm trong một công ty. Tự thấy mình may mắn hơn rất nhiều so với những người cùng cảnh ngộ khác, chị không ngừng theo đuổi cuộc chiến pháp lý đòi các công ty sản xuất hóa chất của Mỹ phải bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Những lời kể của cô gái khuyết tật bé nhỏ khi gặp gỡ nhiều người dân Hoa Kỳ, cũng như tại phiên điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ, đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về hậu quả khủng khiếp do chất độc da cam đem đến cho đất nước và con người Việt Nam.

Là bác sĩ sản khoa, chứng kiến hàng ngàn trường hợp trẻ sinh ra bị khuyết tật cũng như xót xa trước sự vật vã, đau khổ của những người mẹ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam) quyết tâm đấu tranh đòi những người gây ra thảm cảnh đau lòng phải chịu trách nhiệm.

Hai lần điều trần trước Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ (lần đầu thay mặt cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam, lần thứ hai thay mặt các nạn nhân chất độc da cam – đi cùng chị Trần Thị Hoan), bà đã góp phần làm cho các nhà lập pháp, các nghị sĩ của Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ thấy rõ thảm họa xảy ra tại Việt Nam, từ đó phải nhìn nhận trách nhiệm một cách thỏa đáng.

Bà bức xúc nêu vấn đề: “Thời gian qua, vài chục ngàn cựu chiến binh Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam đã được bồi thường hơn 13 tỷ USD. Vậy Việt Nam còn 3 triệu nạn nhân, còn 28 “điểm nóng” tồn tại thì sao? Mục đích cuối cùng của chúng ta là đòi được công lý, để giúp các nạn nhân được đền bù thỏa đáng và có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1989, tận mắt nhìn thấy nỗi đau mà các nạn nhân chất độc da cam đang phải chịu đựng, ông Len Aldis (Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh – Việt) chuyển những cảm xúc của mình thành hành động. Trở về Anh, ông đến mọi nơi có thể kể về những gì đã chứng kiến, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ các nạn nhân.

Ông vận động một triệu chữ ký gởi Tổng thống Mỹ Bush và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc yêu cầu bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ông khẳng định: “Con số các nạn nhân chất độc da cam vẫn tăng lên cùng với sự gia tăng dân số Việt Nam. Không quốc gia nào có quyền gây ra nỗi đau này đối với những người vô tội. Chúng ta phải làm tất cả để đòi công lý cho các nạn nhân”.

Đồng chí NGUYỄN THỊ THU HÀ (Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM): Công lý phải được tôn trọng

Chất độc da cam vẫn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế – xã hội tại nước ta. Hàng vạn gia đình đã chịu khổ đau, đã chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/dioxin. Tội ác phải được vạch trần! Công lý phải được tôn trọng! Đó chính là lương tri của loài người nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng.

Vừa qua, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã chung tay giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng của nạn nhân chất độc da cam. Nhiều nạn nhân đã vượt lên số phận và ý chí khắc phục khó khăn rất đáng trân trọng. Chất độc da cam/dioxin là thảm họa và những người gây ra phải chịu trách nhiệm. Chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất chất độc da cam phải chịu trách nhiệm với nạn nhân Việt Nam như đã thực hiện với cựu chiến binh và gia đình của họ tại Mỹ. Tôi tin rằng nhân dân tiến bộ Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ, đồng hành với chúng ta trong việc đấu tranh đòi công lý.

Thiếu tướng TRẦN NGỌC THỔ (Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM): Sẽ kiện cho đến khi thắng lợi hoàn toàn

Đã 3 lần Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam gửi đơn kiện đến Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm, Tòa án liên bang của Hoa Kỳ đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Nhưng cả 3 lần đều bị từ chối vì Hoa Kỳ cho rằng đơn kiện của ta không đủ chứng cứ.

Hiện nay, chúng tôi đã đủ chứng cứ do các nhà khoa học của Hoa Kỳ cung cấp và chính Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Mỹ (người chỉ huy trực tiếp rải chất độc hóa học các vùng núi, bưng biền của miền Nam Việt Nam) đã khẳng định rải phát quang, chất độc hóa học trong đó có chất dioxin. Trách nhiệm bồi thường không thể chỉ riêng các công ty sản xuất hóa chất, mà là trách nhiệm của các đời tổng thống Hoa Kỳ, những người đã ra lệnh tổ chức chiến tranh tại Việt Nam. Chúng ta sẽ kiên trì đi kiện từ thế hệ này đến thế hệ khác cho đến khi thắng lợi hoàn toàn!

ĐOÀN HIỆP – ÁI CHÂN – THẠCH THẢO


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply