Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải gặp gỡ doanh nghiệp

0 nhận xét

Chiều ngày 19-7-2011, tại hội trường thành ủy TP.HCM, Lãnh đạo thành phố gặp gỡ các doanh nghiệp để lắng nghe khó khăn và tháo gỡ vướng mắc. Tham dự cuộc họp có thường vụ Thành Ủy, UBND TP, Hội đồng Nhân dân TP cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, lãnh đạo Hiệp hội DNTP và các hội thành viên, hội doanh nghiệp các Quận, Huyện và hơn 300 đại biểu là CT.HĐQT, TGĐ, GĐ, các công ty trên địa bàn.

Qua 6 tháng đầu năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố tăng 9,9%, gấp 1,77 lần so với cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp phát triển ổn định, hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch đều có mức tăng trưởng khá. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, TP thực hiện nghiêm túc các mục tiêu an sinh xã hội. Lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ.

le thanh hai

ĐC Lê Thanh Hải gặp gỡ : Doanh nghiệp chụp hình lưu niệm với lãnh đạo TP

Trong 6 tháng cuối năm, Thành phố tập trung phối hợp với các bộ ngành Trung ương thực hiện nhất quán chủ chương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, ưu tiên vốn cho vay đối với các dự án sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường gắn với cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…cùng cả nước thực hiện 3 nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội DNTP Huỳnh Văn Minh cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Lãnh đạo TP đối với doanh nghiệp. Trên cơ sở tổng hợp từ thực tế, Hiệp hội DNTP đúc kết báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp đồng thời đóng góp nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ hoạt động cho doanh nghiệp trên địa bàn. Chủ tịch nhấn mạnh: “Cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện rõ vai trò của mình đối với xã hội cộng đồng, đối với quyền lợi của quốc gia và uy tín đối với quốc tế. Sự phát triển năng động, sáng tạo của doanh nghiệp trong những năm gần đây đã từng bước tiếp cận và mở rộng thị phần, thị trường để đưa các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sang các nước, góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu của Việt Nam, góp phần làm cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam, giảm nhập siêu, ổn định tăng trưởng ngoại thương, góp phần ổn định cho toàn bộ nền kinh tế. Đa số doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm cao đối với xã hội và cộng đồng thông qua việc sản xuất sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tham gia bình ổn giá theo chủ trương của Thành phố, đi đầu thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Hàng Việt Nam”, bảo vệ môi trường tốt, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, cấp học bổng cho hàng chục ngàn học sinh khó khăn, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, trường học, bệnh viện, thiên tai, bão lụt… với số tiền hàng ngàn tỷ đồng”.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, cộng với thiên tai, địch họa trong nước và thế giới, đặc biệt là giá cả tăng cao dẫn đến lạm phát nặng nề nhất so với nhiều năm qua, tình hình đó làm cho cán cân thu nhập ngân sách quốc gia, tăng trường kinh tế, an sinh xã hội bị sụt giảm…, trong đó, doanh nghiệp là đối tượng bị tác động trực tiếp, mạnh mẽ và nặng nề nhất, đa số các doanh nghiệp cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước cả về việc tiếp cận vốn cũng như chi phí vốn.. do hoạt động trong bối cảnh cầm chừng và phải đối phó với hàng loạt biến động về chính sách vĩ mô (chính sách tiền tệ, tăng giá xăng, điện, lương cho người lao động) nên các doanh nghiệp lúng túng với kế hoạch kinh doanh, không ít doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động.

le thanh hai

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Trung Tín và Chủ tịch Hiệp hội DNTP Huỳnh Văn Minh.

Trước tình hình trên, thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp Thành phố, Chủ tịch Huỳnh Văn Minh đóng góp ý kiến với Chính phủ, trực tiếp là Thành ủy, UBND những vấn đề trọng tâm nhằm hỗ trợ tích cực cho hoạt động DN:

Trước tiên, để doanh nghiệp phát triển bền vững cần có 3 điều kiện tiên quyết về nguồn nhân lực, nguồn vốn  và cơ chế, chính sách, luật pháp. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu và yếu nguồn nhân lực và vốn, cộng thêm những bất cập về cơ chế, chính sách. Việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội IX của Thành phố là rất đúng đắn nhưng cần triển khai theo lộ trình và hiệu quả hơn nữa.

Về vốn và tài chánh, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, cần vận đúng đắn hơn nữa Nghị quyết 11/CP để tránh rủi ro phá sản cho doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ và trước tiên là Thành phố bằng nguồn lực của mình có giải pháp cấp thời để “cứu” doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp tham gia bình ổn giá và doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hàng hóa tiêu dùng thiết yếu…

Về cơ chế, chính sách, khi ban hành các văn bản pháp quy nên lấy ý kiến trước đối với các đối tượng trực tiếp chịu tác động, tránh bất cập trong thực thi. Để cải cách hành chánh có hiệu quả, đề nghị trọng tâm là cải cách con người. Nếu đã xác định doanh nghiệp là lực lượng đi đầu để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm thì cán bộ – công chức phải là những người đủ tầm, có tâm, có đức, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đối với vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cần xác định chuyển dịch và phát triển công nghiệp phụ trợ là trọng tâm của chương trình này. Công nghiệp phụ trợ vừa phù hợp với ngành công nghiệp và dịch vụ của Thành phố, vừa phù hợp với trình độ và năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa và cũng là ngành mà thị trường đầu ra còn tiềm năng rất lớn (gia công, xuất khẩu…). Để ngành này phát triển mạnh, nhanh và bền vững, đề nghị Lãnh đạo Thành phố cần có chính sách kích cầu mạnh mẽ, có giải pháp và lộ trình phù hợp.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, xây dựng phong trào thi đua yêu nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh thông qua việc duy trì tổ chức xét tặng danh hiệu “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu” hằng năm.

Cuộc họp còn ghi nhận hơn 10 ý kiến từ các Hội ngành nghề, Hội DN Quận, Huyện và các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn về nguồn vốn, khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất tăng cao, nguyên liệu tăng cao, lao động không ổn định, nguy cơ mất – giảm thị trường và gặp khó khăn trong việc cải tiến khoa học công nghệ, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Các doanh nghiệp mong nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về đất đai, hỗ trợ vốn và lãi suất, cơ chế chính sách thông thoáng. Song song đó tiếp tục chương trình bình ổn giá và đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Với những ý kiến trên của cộng đồng doanh nghiệp TP, Chủ tịch Huỳnh Văn Minh mong nhận được sự quan tâm xem xét, kịp thời của Lãnh đạo Thành phố nhằm tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho doanh nghiệp hoạt động. Hiệp hội DNTP với bề dày trên 30 năm hình thành và phát triển đến nay đã có 45 tổ chức thành viên tập thể gồm các Hội ngành nghề, Hội Doanh nghiệp Quận Huyện và trên 6500 doanh nghiệp hội viên đại diện cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên địa bàn…xin hứa sẽ đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hợp tác chân tình, phát triển bền vững, ra sức phấn đấu vì lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng, vì quyền lợi của quốc gia và vì uy tín đối với quốc tế, lực lượng doanh nghiệp TP nguyện luôn xứng đáng với Thành phố mang tên Bác, anh hùng và nghĩa tình.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân biểu dương tinh thần vượt khó của doanh nghiệp, đồng tình với những ý kiến đóng góp của Hiệp hội DNTP và các doanh nghiệp, qua đó sẽ xem xét giải quyết triệt để  những khó khăn, vướng mắc theo từng việc cụ thể.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của doanh nghiệp. Việc trao đổi giữa lãnh đạo  TP và doanh nghiệp là hết sức cần thiết, cần tăng cường để cùng nhau tháo gỡ khó khăn cùng phát triển. Lãnh đạo TP.HCM sẽ yêu cầu sở, ngành liên quan tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp cùng giải quyết những vấn đề cụ thể. Chú trọng giải quyết 2 vấn đề chính mà doanh nghiệp đang gặp khó khăn là vốn và thuế. Việc điều hành linh hoạt các chính sách tiền tệ để giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn và vốn thì các chính sách điều hành vĩ mô tiền tệ cần linh hoạt hơn linh hoạt và tạo điều kiện hơn nữa về chính sách thuế.

PV

 


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply