Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình: TPHCM cần có tiêu chí đặc thù về cải cách tư pháp

0 nhận xét

Chiều 15-4, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao dẫn đầu đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm việc với lãnh đạo TPHCM và các cơ quan tư pháp trên địa bàn TP để cùng bàn bạc về một số nội dung liên quan đến công tác cải cách tư pháp trong chiến lược từ nay đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh đến trọng tâm là thành lập hệ thống tòa án khu vực. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng tham dự buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các cơ quan tư pháp của TP đã báo cáo tóm tắt về dự thảo Đề án thành lập Tòa án khu vực, Viện kiểm sát khu vực trên địa bàn TP với những tiêu chí cụ thể về nhân sự, cơ sở vật chất, tính đồng bộ giữa các cơ quan…

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (đứng) phát biểu tại buổi làm việc.

Theo tờ trình của Ban Cán sự Đảng TAND TPHCM về một số nội dung lớn của đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực thì Tòa án sơ thẩm khu vực có chức năng, nhiệm vụ xét xử sơ thẩm các vụ án và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền chung của Tòa án sơ thẩm khu vực là xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, các vụ án và các việc về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính theo quy định của pháp luật tố tụng.

Nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc thực hiện đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, đại diện lãnh đạo TAND TPHCM cho biết: Hiện nay, tại TPHCM có 24 đơn vị toàn án cấp huyện đã được tăng thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, theo pháp luật về tố tụng thì vẫn còn một số vụ việc do TAND TP giải quyết theo trình tự sơ thẩm. Theo Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị thì tóa án cấp phúc thẩm vẫn có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm một số vụ án nên phù hợp với quy định của pháp luật về tố tụng hiện nay. Do đó, nếu thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực thì thẩm quyền giữ như thẩm quyền xét xử hiện nay sẽ có nhiều thuận lợi khi tiếp cận giải quyết. Sau một thời gian nhất định (khoảng 5 năm) thì thẩm quyền này có thể thay đổi theo hướng Tòa án sơ thẩm khu vực giải quyết tất cả các loại vụ án theo trình tự sơ thẩm để tòa cấp tỉnh chỉ giải quyết phúc thẩm, từ đó TAND tối cao chỉ giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, không còn chức năng xét xử phúc thẩm như hiện nay.

 

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm việc với lãnh đạo TPHCM và các cơ quan tư pháp trên địa bàn TP chiều 15-4.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, với địa bàn đông dân cư, số lượng án rất lớn cũng như thường xuất hiện nhiều loại tội phạm mới nên cần để TPHCM có tiêu chí đặc thù so với các tỉnh thành khác trong cả nước. Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải đề nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cần sớm xây dựng lộ trình cụ thể để định hướng cho TPHCM nói riêng, các tỉnh thành khác trong cả nước nói chung có tiêu chí thực hiện. Riêng TPHCM sẽ chủ động trong việc đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đề án với sự góp ý, giám sát của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Ghi nhận các ý kiến của lãnh đạo TP và các cơ quan tư pháp TP, đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định sau đợt khảo sát, TAND Tối cao sẽ sớm trình Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương xây dựng lộ trình, tiêu chí cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện. Với TP, đồng chí đề nghị lãnh đạo địa phương xem xét cụ thể lại hai dự thảo đề án của các cơ quan tư pháp để thống nhất trình Trung ương xem xét.

Thiên Linh


(Theo www.lethanhhai.net)

Leave a Reply