Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM quán triệt Nghị quyết 11 của Chính phủ

0 nhận xét

“Trong tình hình đất nước đang gặp nhiều khó khăn, việc TPHCM cùng các tỉnh, thành phố trong cả nước tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Đây chính là lúc TPHCM càng phải thể hiện rõ hơn vai trò “đầu tàu kinh tế” của cả nước và thực hiện nhiệm vụ cao cả “vì cả nước, cùng cả nước” – đồng chí LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, khẳng định như vậy tại Hội nghị cán bộ chủ chốt TPHCM quán triệt Nghị quyết 11 của Chính phủ diễn ra vào sáng 9-3.

Chia sẻ khó khăn với người dân

“Sau một tuần vận động, thuyết phục đã có hơn 50% trong tổng số 6.351 hộ kinh doanh phòng trọ trên địa bàn quận đồng ý ký cam kết không tăng giá nhà trọ năm 2011 nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động, sinh viên trên địa bàn” – Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Trần Trung Dũng cho biết tại hội nghị. Ông Dũng khẳng định: “Bài học “đảng viên đi trước” đã phát huy tối đa hiệu quả. Sở dĩ quận làm được như vậy là nhờ đông đảo các đồng chí đảng viên, cán bộ hưu trí rất nhiệt tình đến từng nhà vận động, thuyết phục. Quan trọng hơn, chính những hộ dân kinh doanh phòng trọ cũng thấy chủ trương hợp lý và đồng thuận cùng quận chia sẻ khó khăn với người lao động nghèo”.Trong lúc đó, hội phụ nữ các cấp đã chia sẻ nỗi lo của TP hiện nay: thiếu điện. Bà Trần Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TPHCM, cho biết điện năng tiêu thụ của các hộ gia đình trên địa bàn TP chiếm khoảng 36% tổng lượng điện (khoảng 5.200 tỷ đồng/năm), nếu tiết kiệm được khoảng 10% thì số tiền sẽ rất lớn. Do đó, Hội LHPN TP đã phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP kêu gọi các hộ gia đình tiết kiệm điện. Từ sự tích cực, đeo bám của hội phụ nữ các cấp, đến nay đã có hơn 113.000 hộ (hơn 10% hộ dân toàn TP) đăng ký tiết kiệm điện.Phân tích về các điểm mới trong chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu năm 2011, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trước diễn biến phức tạp, giá cả thường xuyên tăng cao, không hợp lý của các mặt hàng thuốc thiết yếu trên thị trường gây khó khăn cho người dân, UBND TP đã bổ sung mặt hàng thuốc sản xuất trong nước đối với các loại bệnh thông thường vào nhóm các mặt hàng bình ổn nhằm chăm lo thiết thực cho người dân, nhất là những người thu nhập thấp. Mặt hàng này sẽ được triển khai bình ổn giá vào ngày 1-4, tăng số mặt hàng sẽ bình ổn trong năm 2011 lên 10 mặt hàng. Đồng thời, TP tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn mùa tựu trường (2011 – 2012) để giúp học sinh có điều kiện mua sắm vào năm học mới. UBND TP sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi vay cho các doanh nghiệp thông qua chương trình kích cầu doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị; hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường; hướng dẫn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn vay…

Tạo sự đồng thuận, nâng cao trách nhiệm

Liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh những điểm chính trong chương trình hành động thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn TP. Để thực hiện chương trình hành động này, trách nhiệm của UBND TP là “khá nặng nề”: kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng trên địa bàn TP (về tín dụng, tỷ giá, lãi suất, huy động vốn, hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối); giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Cùng với các biện pháp tăng thu cho ngân sách, TP phải thực hiện nghiêm chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại, giảm tối đa chi phí hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài.TP và các sở ban ngành, quận huyện phải tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ người nghèo, nhất là diện chính sách, người nghỉ hưu, hộ nghèo, người khuyết tật neo đơn, công nhân, nông dân, sinh viên và lực lượng vũ trang gặp khó khăn do việc tăng giá điện, nước, xăng, dầu. “Các đơn vị phải nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, có biện pháp giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc tại từng địa bàn dân cư, doanh nghiệp, không để lây lan, bị động, thành “điểm nóng” ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn” – đồng chí Nguyễn Văn Đua chỉ đạo.

Ngắm nhìn Thành Phố Hồ Chí Minh Từ Trên cao

 

* Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo tại hội nghị: “Cả hệ thống chính trị mà trước hết là cấp ủy, bí thư và người đứng đầu phải nâng cao nhận thức, từ đó tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Sau đó, từng địa phương, đơn vị phải cụ thể hóa bằng những chương trình hành động, vừa bảo đảm mục tiêu trước mắt vừa bảo đảm mục tiêu chính trị lâu dài. Những năm qua, TPHCM đóng góp nhiều kinh nghiệm tốt cho Trung ương trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách và vào việc hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN và sự phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước. Bây giờ, thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống đó để đóng góp kinh nghiệm  thực tế của mình giúp Trung ương có thêm cơ sở thực tiễn trong xây dựng cơ chế chính sách và trong công tác điều hành, chỉ đạo”.

 

Đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Đã trở thành truyền thống, chính những lúc gặp khó khăn, TPHCM càng thể hiện sự năng động, sáng tạo, phát huy tối đa nội lực và coi nội lực là yếu tố quyết định. Kinh nghiệm vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 2 năm của TPHCM là trong thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân luôn có vai trò quyết định. Do vậy, chính quyền phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, gia tăng xuất khẩu kết hợp với thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, lồng ghép với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Từ lâu, Đảng bộ TPHCM có chủ trương đúng đắn khi coi nâng cao chất lượng sống của người dân là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Thành Phố. Trong hoàn cảnh hiện nay, Tp. HCM càng phải bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là đồng bào nghèo, gia đình chính sách và người lao động.

 

Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM: Mọi người cùng làm công tác dân vận:

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác dân vận phải thực sự thấm nhuần phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; thực sự “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Có như thế, chúng ta mới hiểu thấu những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến và những bức thiết đang đặt ra hàng ngày của nhân dân để từ đó kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Không chỉ cán bộ, đảng viên mà mỗi người dân cũng phải làm công tác dân vận, tích cực tham gia vận động mọi người trong gia đình thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật, nhắc nhở bà con làng xóm làm theo từ những việc nhỏ như tiết kiệm điện, bảo vệ an ninh khu phố đến những việc lớn khác như thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM: Thiết thực chăm lo hộ nghèo, gia đình chính sách

Trên cơ sở chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, MTTQ TP sẽ đề ra các kế hoạch cụ thể để phối hợp với từng tổ chức thành viên (LĐLĐ TP, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN, Hội Nông dân…) và mặt trận các quận huyện quán triệt thực hiện, vận động các hội viên, tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận và niềm tin để cùng lãnh đạo TP kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn TP. Trên cơ sở đó, mặt trận sẽ tiếp tục tổ chức chăm lo thiết thực hơn cho người dân nghèo và các gia đình chính sách trên địa bàn TP một cách thiết thực hơn nữa. Bên cạnh đó, mặt trận các cấp cũng sẽ tham gia giám sát các cơ quan chức năng triển khai thực hiện chương trình hành động của Thành ủy và các chỉ thị của UBND TP trong thời gian tới

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Bí thư Quận ủy quận 9: Giải quyết đơn thư mới phát sinh

Kinh nghiệm cho thấy, để làm tốt công tác giải quyết đơn thư công dân phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục của cấp ủy. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần nhạy bén phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách, những vấn đề nhạy cảm liên quan một số lĩnh vực, nhất là đất đai, đền bù giải tỏa; tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành và UBND các cấp tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo (KNTC) tại cơ sở ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế tối đa tình trạng đơn thư vượt cấp. Những vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền của ngành nào, cấp nào thì thủ trưởng đơn vị tập trung giải quyết. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực cán bộ làm công tác tiếp dân. Ngoài nghiệp vụ chuyên môn, cán bộ tiếp dân còn phải có bản lĩnh, trung thực, có tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời biết kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của dân, giải thích cho dân rõ về pháp luật và hướng dẫn nhân dân chuyển khiếu nại đúng địa chỉ. Nếu cán bộ tiếp dân có năng lực, tâm huyết với nhiệm vụ thì đơn thư của công dân sẽ được giải quyết ngay từ khâu này. Làm tốt công tác giải quyết KNTC sẽ góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.

Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP: Công khai, minh bạch hệ thống hành chính

Công khai, minh bạch hệ thống hành chính là một trong những nhiệm vụ cần thiết hiện nay. Để minh bạch thì các thủ tục hành chính, phí, lệ phí, thời gian giải quyết thủ tục… phải được hoàn thiện và thống nhất. Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 11 có yêu cầu cụ thể phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, nhà đất, cấp phép đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để thu hút đầu tư phát triển. Đó là một nhiệm vụ quan trọng, song các đơn vị trên địa bàn TP cũng phải tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính bởi việc đó sẽ đem lại hiệu quả rất lớn cho TP. Lấy ví dụ cụ thể: 286 thủ tục hành chính liên quan đến những bức xúc của người dân, doanh nghiệp được trung ương cắt giảm, đã tiết kiệm được 5.000 tỷ đồng thì nếu 2.504 thủ tục hành chính mà TPHCM kiến nghị đơn giản, được thông qua, sẽ tiết kiệm được bao nhiêu? Theo tôi là rất nhiều và được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.

 


(Theo website Lê Thanh Hải)

Leave a Reply